Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ dãy núi Pú Huổi Luông thuộc địa phận xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ nằm trên độ cao hơn 2.100m so với mực nước biển. Trong dòng chảy của thời gian, dòng sông Nậm Rốm không chỉ đóng vai trò quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là chứng nhân cho những sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Điện Biên.
Dòng sông Nậm Rốm là chứng nhân cho những sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Điện Biên |
Sông Nậm Rốm có chiều dài 35km, chảy theo hướng Bắc - Nam, qua địa phận thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, sau đó hòa vào dòng Nậm Núa. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dòng sông đã chứng kiến giai đoạn lịch sử đầy hào hùng của dân tộc. Năm 1953, thực dân Pháp đã cho khẩn trương làm cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm để phục vụ thông tin liên lạc, vận chuyển vũ khí, đạn dược từ Trung tâm Tập đoàn cứ điểm đi các phân khu trong lòng chảo Mường Thanh. Tuy nhiên, sau khi chiếm cứ điểm A1, bộ đội ta đã vượt qua cây cầu này, tấn công vào Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và bắt sống tướng De Castries vào chiều 7/5/1954.
Ngày nay, sông Nậm Rốm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất, phát triển thủy sản, thâm canh tăng vụ từ 1 vụ lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ Đông |
Ghi dấu ấn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dòng sông Nậm Rốm cũng là nơi khởi nguồn của công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Năm 1963 công trình được khởi công với lực lượng nòng cốt là hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đến năm 1969 công trình được hoàn thành. Việc đưa vào khai thác công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất, phát triển thủy sản, thâm canh tăng vụ từ 1 vụ lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ Đông. Dòng sông Nậm Rốm hoàn thành sứ mệnh trở thành lá phổi xanh, xương sống, mạch nguồn của lòng chảo Mường Thanh rộng lớn.
Phương Dung – Đức Long (Đài PT-TH Điện Biên)
Ý kiến bạn đọc