Chiều ngày 2/4 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, Ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như các địa phương. Ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại, thu hút các nguồn lực đầu tư để phục vụ động lực tăng trưởng của đất nước. Các Bộ, Ngành, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tham gia các hoạt động đối ngoại, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến ở trong và ngoài nước, vận động đầu tư FDI chất lượng cao và thu hút ODA thế hệ mới. Đối với tỉnh Hà Giang, việc thúc đẩy ngoại giao kinh tế theo đúng quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước đã góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư, các nguồn vốn viện trợ, vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, phát huy lợi thế các cặp cửa khẩu; tăng cường hoạt động đối ngoại, xúc tiến, quảng bá các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như du lịch, nông nghiệp…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Công tác ngoại giao kinh tế cần phát huy thế và lực của đất nước trong xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, trong ngoại giao kinh tế, văn hóa, du lịch và ngoại giao nhân dân; phát huy tính năng động sáng tạo, sự thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Theo tinh thần 3 cùng, cùng chia sẻ, cùng làm, cùng có lợi trong quan hệ ngoại giao kinh tế và với các đối tác quốc tế. Quan tâm các động lực tăng trưởng mới, như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Chủ động, tích cực tìm kiếm các thị trường mới, thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Thanh Giang – Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc