Nói về đạo đức cách mạng người đảng viên, không thể không nhắc tới những ký ức bi hùng trong những tháng năm đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Trong vô vàn ký ức đó, câu chuyện về những người tù chính trị ở Côn Đảo - nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian, thực sự là một trong những ví dụ điển hình nhất cho tấm gương đạo đức sáng ngời và là những bài học còn nguyên giá trị cho thế hệ đảng viên ngày nay.
Trại Phú Hải, nhà tù lớn nhất tại Côn Đảo. Rất nhiều tù chính trị đã hy sinh tại đây. Xà lim số 11, rất hẹp nhưng có thời điểm 63 người bị giam cùng lúc.
Khu chuồng cọp chật chội kiểu Mỹ với những đòn tra tấn tinh vi, khốc liệt, khiến tù nhân chết dần chết mòn. Thế nhưng, nỗi đau thể xác không thể lay chuyển tinh thần sắt đá.
Tấm gương đạo đức sáng ngời của các đảng viên bị giam tại Côn Đảo
Tại Côn Đảo, đấu tranh bảo vệ khí tiết và lý tưởng cộng sản được đặt ra cao hơn bảo vệ tính mạng mình. Những bản "cam kết quyết tử chống ly khai" của những chiến sĩ bị giam nơi Chuồng Cọp là minh chứng cho ý chí không thể lay chuyển của người đảng viên, trước sự tra tấn dã man và cả dụ dỗ, mua chuộc.
"Ngày chiến thắng, chưa chắc đã có mình". Chia sẻ của Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ngắn gọn, giản dị nhưng bao hàm một ý chí kiên cường mà không đòn roi tra tấn nào khuất phục được. Cao hơn nữa đó là lý tưởng của những người cộng sản đặt cách mạng lên trên hết - chấp nhận hy sinh cả tính mạng. Những ai đã từng đến nhà tù Côn Đảo, hay đứng trước mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương nơi chôn cất hàng nghìn tù chính trị luôn trào dâng những cảm xúc thật đặc biệt. Đó là sự kính phục, ngưỡng mộ những thế hệ cha ông đi trước đã sống đã chiến đấu với đạo đức cách mạng trong sáng.
Trong nơi địa ngục trần gian như Côn Đảo, sinh hoạt chi bộ vẫn được duy trì bởi những người cộng sản luôn quan điểm nơi nào có tổ chức Đảng là ở đó cần có tổ chức Đảng để giáo dục đảng viên, giác ngộ quần chúng và lãnh đạo đấu tranh.
Phòng giam số 7 là nơi đã giam giữ các chiến sỹ cách mạng kiên cường như Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh. Cũng trong phòng giam này là nơi ra đời tờ báo "Tiến lên" do đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương phụ trách thời kỳ 1930-1939. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tính kỷ luật Đảng và ý thức không một phút giây ngừng nghỉ rèn luyện, tu dưỡng, gìn giữ phẩm chất chính là những yếu tố để người đảng viên trung thành với lý tưởng của mình. Trở lại với hiện tại với nhiều vụ án vụ việc trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm gần đây. Có thể nói một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ đảng viên là thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu nghiêm khắc với chính bản thân mình nên chỉ cần một phút giây tặc lưỡi, gật đầu thỏa hiệp với cái sai là họ đã mất hết.
Đã có những cán bộ giữ vị trí đứng đầu các ngành trọng yếu của đất nước bị khởi tố do lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đã có những người từng là anh hùng nhưng lại tiếp tay cho tội phạm.
Đã có những người đứng đầu địa phương nhưng lại trục lợi cá nhân làm thất thoát hàng trăm tỷ của Nhà nước.
Có những người lãnh đạo cơ quan phòng chống buôn lậu bị kết án chung thân vì tiếp tay cho buôn lậu.
Và thậm chí có trường hợp vợ của cán bộ còn tham gia nhận hối lộ.
Thời kháng chiến, khó khăn đến tột cùng, cán bộ, đảng viên sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng vì sự nghiệp cách mạng mà không mong được đáp đền. Vậy trong thời bình hiện nay, đất nước độc lập, tự do, cuộc sống tốt hơn ở mọi phương diện, người đảng viên càng phải nhận thức đúng đắn. Không tu dưỡng, không giữ được mình trước cám dỗ, để rồi đến lúc nhận kỷ luật của Đảng, đứng trước vành móng ngựa, thanh danh, sự nghiệp mất hết, hẳn những cá nhân ấy đều cùng chung suy nghĩ, giá như. Và để không phải nói "giá như" thì rèn luyện, tu dưỡng, giữ mình là con đường duy nhất. Còn nếu không, mọi sự ân hận đều đã muộn màng.
Pháp luật chặt chẽ là để không dám vi phạm. Còn để ngăn chặn từ gốc, để không muốn vi phạm, đạo đức mới là căn cơ. Rất nhiều lần, người đứng đầu đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" với trích dẫn "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận, để có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời, vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân".
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc