Hôm nay, Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và thảo luận về dự án Luật Căn cước.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 22/6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Sau đó, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Nội dung tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Quốc hội sau đó biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nội dung tiếp theo, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo các Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.
Sau đó, các đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Quốc hội sau đó biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Cuối ngày làm việc, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bỏ quê quán, vân tay trên thẻ căn cước
Về dự án Luật Căn cước, trình bày tờ trình của Chính phủ chiều 2/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phát triển kinh tế, xã hội; Xây dựng công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất thông qua 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam).
Vì vậy, để cụ thể hóa các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ "Luật Căn cước công dân (sửa đổi)" thành "Luật Căn cước".
Về bố cục, dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 Điều (trong đó, so với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì dự thảo Luật đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ "căn cước công dân", quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ "thẻ căn cước", nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Thẻ Căn cước công dân hiện hành
Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Về căn cước điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước.
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc