Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp UBTVQH
Về báo cáo tổng kết Nghị quyết số 525 về việc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá thêm việc quán triệt, giám sát thực hiện nghị quyết.
Việc tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức
Sáng 12/7, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đã trình bày báo cáo tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Theo báo cáo, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 525 về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, kết quả cho thấy, về mặt nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành Nghị quyết đã được nâng lên rõ rệt.
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo
Nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
Cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với ĐBQH, ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng.
Về số liệu, đã có: 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau được tổ chức; 42.455 kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chuyển tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri.
Báo cáo cũng chỉ ra một số nội dung, quy định bất cập, vướng mắc cụ thể trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 525. Theo đó, việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH, Đoàn ĐBQH chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị.
Việc tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; nội dung, chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri còn đơn điệu; thông tin chuyển tải đến cử tri thiếu sinh động, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri; chưa có nhiều gợi mở nội dung để cử tri phát biểu tâm tư, nguyện vọng.
Hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thường ít hơn trước kỳ họp. Ở một số cuộc tiếp xúc, số lượng cử tri tham dự chưa nhiều, số kiến nghị hạn chế. Nguyên nhân là do tiếp xúc sau kỳ họp chỉ cách trước kỳ họp khoảng một tháng; nội dung tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội của nhiều Đoàn ĐBQH chưa mang tính thời sự, đơn thuần chỉ báo cáo về kết quả kỳ họp, trong khi những nội dung này đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin chi tiết, cử tri đều đã biết khá rõ.
Ngoài ra, chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao, một số nội dung chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri. Một số Bộ, Ngành trung ương giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri không đúng hạn, còn chậm.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 525
Trưởng Ban dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng và công tác dân nguyện nói chung, việc nghiên cứu, rà soát các quy định tại Nghị quyết số 525 nhằm đảm bảo thống nhất và phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã ban hành, phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.
Theo đó, Ban dân nguyện đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 525.
Về nội dung, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung này cụ thể hóa các quy định của văn bản pháp luật hiện hành đối với hoạt động tiếp xúc cử tri.
Về hình thức, Nghị quyết mới sẽ được ban hành dưới dạng Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do UBTVQH phân công cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định.
Về phạm vi, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết mới là tổng thể hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Về trình tự, trên cơ sở tổng kết và kết quả nghiên cứu, rà soát Nghị quyết số 525, ý kiến kết luận của UBTVQH, Nghị quyết liên tịch mới dự kiến sẽ được UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, cho ý kiến, thông qua và ban hành theo quy định tại Điều 109 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về tiến độ, dự thảo nghị quyết thành lập Ban soạn thảo dự kiến sẽ được trình UBTVQH xem xét, quyết định trong năm 2023; dự thảo nghị quyết mới dự kiến sẽ được xây dựng, trình UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, thông qua trong năm 2024 và có hiệu lực thi hành trong năm 2025.
Nghiên cứu ban hành 2 Nghị quyết về tiếp xúc cử tri
Phát biểu tại phiên họp về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá thêm việc quán triệt, giám sát thực hiện nghị quyết cũng như đánh giá tính sâu sát, phù hợp, thực chất, thiết thực và hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri. Phải đảm bảo tính linh hoạt, thích ứng của địa phương, tính thống nhất trong đa dạng theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị báo cáo nêu quan điểm lớn, chính sách lớn trong sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 525 và đề nghị tổ chức Hội nghị chuyên đề để công bố kết quả tổng kết, lắng nghe thêm ý kiến để xây dựng Nghị quyết sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên có 2 nghị quyết riêng về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm về mặt nội dung cần nhấn mạnh việc phải sửa đổi, bổ sung nghị quyết tới đây phải quán triệt đầy đủ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Trong đó nêu rõ Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, hoạt động Quốc hội được đảm bảo bằng hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. Luật cũng quy định đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Ban Dân nguyện và thống nhất đổi tên thành Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 525.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 525 nhằm khắc phục vướng mắc hạn chế, đáp ứng hoạt động của đại biểu Quốc hội, HĐND.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Dân nguyện phối hợp xây dựng nghị quyết, trong đó quy định tên nghị quyết, phạm vi điều chỉnh, quan điểm, chính sách lớn, nguyên tắc khung trong tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị, quy trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH, bảo đảm chất lượng tiếp xúc cử tri theo đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu ban hành 2 Nghị quyết riêng biệt: Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân và Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, ban hành cùng lúc để tạo sự thay đổi đồng bộ. Bên cạnh đó sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề, trên cơ sở tổng kết đó sẽ soạn thảo Nghị quyết theo phân công của UBTVQH.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc