Những điều chỉnh mới về chính sách thị thực đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến với Việt Nam.
Du lịch tận dụng chính sách visa mới
Từ ngày 15/8, thời hạn thị thực điện tử e-visa sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Bên cạnh đó, công dân của quốc gia được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú từ 15 ngày tăng lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Với các chính sách visa khá cởi mở này, cơ hội kích thích chi tiêu của khách và giữ chân du khách bằng những sản phẩm lưu trú dài ngày hơn đang rộng mở với ngành du lịch. Một số đơn vị lữ hành cũng cho biết đặt nhiều hy vọng vào chính sách thị thực nhập cảnh mới, thậm chí có thể tác động làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của công ty từ 5 - 25% mỗi năm.
Chính sách visa mới vừa có lợi cho công ty du lịch, vừa có lợi cho du khách vì giảm thủ tục khai báo xuất nhập cảnh, tăng thời gian đi lại. Doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như du khách có nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động du lịch.
Các doanh nghiệp cũng bắt đầu có những chuyến khảo sát các tuyến điểm, thiết kế các sản phẩm tour dành cho du khách quốc tế có hành trình tour từ Việt Nam tới các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia... để nâng thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng có những nghiên cứu, kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch với mục tiêu mục tiêu đến năm 2025, các địa bàn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Hội An, Đà Lạt... có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Khi làm việc với các đối tác, sản phẩm du lịch được thiết kế bao giờ cũng dựa trên điều kiện visa, những quốc gia miễn visa sẽ khác với visa có thời hạn. Du lịch đêm - ánh sáng đêm, chính là một cơ hội mới để Việt Nam xây dựng thương hiệu du lịch vượt trội, truyền cảm hứng và tạo sức hấp dẫn mới trên bản đồ du lịch thế giới.
Du lịch chờ những tín hiệu mới
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng những sản phẩm sẵn có, cần đa dạng hóa hoặc mở rộng thêm. Có như vậy du lịch mới được cải thiện về chất lượng và chính sách visa mới thật sự phát huy hết tác dụng.
Việc quảng bá xúc tiến chung ở trong và ngoài nước, ở trung ương và địa phương còn "đánh trống khác nhịp", chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp tác đầu tư công - tư trong công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia, di sản thế giới…
Tổ chức kết nối vùng, liên vùng trong đó ưu tiên kết nối ngay bên trong điểm đến về phát triển và quảng bá sản phẩm, thương hiệu điểm đến. Kết nối các nền tảng số của các tỉnh với cả nước; tập huấn đào tạo về marketing số… để phát triển du lịch đồng bộ, hiệu quả.
Tuy nhiên, chính sách "nới lỏng" visa mới chỉ là điều kiện cần là bước khởi đầu, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành và những tập thể, cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị còn có nhiều việc cần phải làm ngay để có thể nắm bắt cơ hội. Đó là từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng hình ảnh thân thiện tại các điểm đến, cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, cơ sở lưu trú, không để xảy ra tình trạng chèo kéo khách...
Nói cách khác, bên cạnh điều kiện cần là chính sách visa thân thiện và linh hoạt, bài toán thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam phải thỏa mãn điều kiện đủ.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc