Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Khó khăn trong duy trì sĩ số học sinh tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh

18:24, 04/09/2021

Xã Phú Lũng, huyện Yên Minh là xã biên giới nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn, khu vực III nên người dân tại đây được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ. Đầu năm 2021, xã Phú Lũng được Thủ tướng Chính phủ tái công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chuyển từ khu vực III về khu vực I là xã bước đầu phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc các chế độ bán trú, sách giáo khoa của các em học sinh nơi đây cũng bị cắt giảm, gây khó khăn trong công tác duy trì sĩ số học sinh.

Xa Phú Lũng khó khăn trong duy trì sĩ số học sinh

Con đường đến trường của 3 bố con anh Tháo Mí Tỏa

Gia đình anh Tháo Mí Tỏa, thôn Xín Chải, xã Phú Lũng nằm cách trung tâm xã khoảng 10km. Trước kia anh chỉ phải đưa con đi học vào sáng thứ 2 và đón về vào chiều thứ 6 bởi các con anh ở bán trú tại trường. Thế nhưng, năm học mới này, xã Phú Lũng đã trở thành xã bước đầu phát triển, mọi chế độ bán trú bị cắt giảm nên việc đưa đón con đi học 2 buổi/ ngày của gia đình anh gặp nhiều khó khăn.

Các em học sinh trường PTDTBT Tiểu học Phú Lũng đi bộ đến trường

Gia đình anh Tỏa chỉ là một trong 473 học sinh của trường PTDTBT Tiểu học Phú Lũng sẽ không được nhận hỗ trợ bán trú do các em không nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn. Để duy trì việc học tập, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định của Nhà nước. Đồng thời xây dựng kế hoạch khắc phục khó khăn.

Một giờ học tại trường THCS Phú Lũng

Năm học 2021 – 2022, xã Phú Lũng có hơn 1.000 học sinh, dự kiến có gần 400 em thuộc diện bán trú thuộc cấp Tiểu học và THCS. Đây là con em của gia đình có hoàn cảnh khó khăn và ở cách xa trường từ 6 – 10 km. Khi xã đang ở vùng 3 thì mỗi học sinh bán trú sẽ được ở lại trường trong thời gian học tập và được hỗ trợ tiền ăn, gạo, sách giáo khoa. Thế nhưng theo Nghị định số 116 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn”, nếu là xã vùng 1 thì học sinh không được hưởng những chế độ này nữa mà các gia đình phải tự đóng góp. Đây sẽ là thử thách rất lớn đối với công tác duy trì sĩ số học sinh và duy trì lịch học 2 buổi/ngày tại xã biên giới. Để động viên các em yên tâm học tập, ngăn tình trạng bỏ học, bên cạnh những phương án khắc phục tạm thời của chính quyền địa phương, rất mong, trong thời gian tới, Hà Giang sẽ có giải pháp lâu dài, hỗ trợ học sinh ở những địa bàn đã ra khỏi diện nghèo tiếp tục được thụ hưởng chế độ hỗ trợ học tập, không vì quá khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng./.

Phương Duyên - Văn Bính


Ý kiến bạn đọc