Những ngày này tại Cao nguyên đá Hà Giang, những cánh hoa đào, hoa mận, hoa lê đã bừng nở, khung cảnh cao nguyên đẹp như bức tranh. Ở Hà Giang, thường từ tháng 11 đã có hoa đào sớm và nở rộ sau Tết cổ truyền khoảng 1 – 1,5 tháng, tức tháng 2 và đầu tháng 3 dương lịch.
Ngôi nhà trình trường nhấp nhô trong đá dưới tán hoa đào, hoa mận. Suốt một dải biên cương từ Quản Bạ, Yên Minh đến Đồng Văn, Mèo Vạc đâu cũng ngập tràn sắc hoa, cuộc sống nơi đây như sáng bừng sau nhiều tháng ngủ đông lạnh lẽo.
Khóm hoa cải vàng vươn mình tựa lưng vào bức tường đá uốn lượn như tác phẩm nghệ thuật, được tạo ra bằng đôi bàn tay của đồng bào người Mông.
Bên quốc lộ 4C đoạn bước vào địa phận Đồng Văn, đồng bào người Mông đổ đất, lên luống để bước vào vụ mùa mới.
Tháng 3 là thời điểm cao nguyên đá Hà Giang không còn lạnh tê tái, thay vào đó là chút nắng vàng nhẹ, điều kiện thuận lợi để những cánh hoa đào, mận bung nụ, khoác lên mình tấm áo rực rỡ sắc màu.
Xã Sủng Là, Phó Cáo, Lũng Cú, Ma Lé, thị trấn Phố Bảng.. đang khoác lên mình chiếc áo mới.
Với đồng bào người Mông ở đây, nhà nào cũng trồng ít nhất một cây đào trước ngõ, trong sân, bên tường rào. Vì thế mỗi độ xuân về hoa nở rực rỡ, màu hồng thắm càng trở nên nổi bật trên nền tường vàng, mái ngói đen thẫm phía sau.
Hoa đào ở vùng Cao nguyên đá đặc biệt bởi màu hồng đậm và cánh hoa dày.
Con đường quốc lộ dẫn qua thị trấn Sủng Là đẹp như bức tranh.
Cao nguyên đá luôn giữ được vẻ yên bình vốn có.
Mỗi mùa xuân – hạ – thu – đông đều có một loài hoa đặc trưng, nhưng tháng 2, tháng 3 hàng năm luôn là thời khắc đặc biệt của mảnh đất cực Bắc địa đầu tổ quốc.
Dưới tán hoa đào, những cậu bé dân tộc Mông vô tư cười đùa, nô nghịch.
Cành hoa mận nở trắng bên hiên nhà báo hiệu mùa sinh sôi nảy nở trên vùng cao nguyên khô cằn.
Nguồn: dongvan.hagiang.gov.vn
Ý kiến bạn đọc