Thành công, hiệu quả là rất rõ song, cũng còn không ít khó khăn, hạn chế là những đánh giá, trăn trở qua Hội nghị tổng kết đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 được Sở NN&PTNT tổ chức vào ngày 31/12/2020.
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị tổng kết đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020.
Gần 3 năm triển khai thực hiện, đã tổ chức 3 đợt đánh giá, chấm điểm và lựa chọn được 188 sản phẩm công nhận đạt chuẩn OCOP thuộc 6 nhóm ngành hàng của 87 chủ thể tham gia. Trong đó, doanh nghiệp có 8 sản phẩm, các hợp tác xã có 64 và hộ sản xuất là 15 hộ. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên, đặc biệt, 2 sản phẩm Hồng trà và Trà xanh của Hợp tác xã Phìn Hồ đang đề nghị Bộ NN&PTNT xếp hạng 5 sao. Những con số ấn tượng đó thể hiện sự thành công của đề án mà không phải địa phương nào, tỉnh nào cũng làm được như Hà Giang.
Hiệu quả đề án là đã rõ, tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn cho các chủ thể khi tham gia chương trình OCOP. Đó là công tác truyền thông, tuyên truyền còn hạn chế, một số sản phẩm chưa hoàn thiện, việc hỗ trợ củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế chưa được nhiều. Bản thân các chủ thể còn lúng túng, nhất là vấn đề quản trị doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm
Mục tiêu đến năm 2025, phát triển mới và nâng cấp từ 100 đến 300 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 2 sản phẩm đạt sao cấp quốc gia, phát triển mới từ 30 đến 70 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, gắn với xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, và cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP là một đề án lớn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế từ các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của tỉnh. Thành công của giai đoạn 2018 – 2020 sẽ là động lực để thực hiện hiệu quả hơn trong giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt trong bối cảnh thực hiện một trong 3 khâu đột phá theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là “ Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc thù hàng hóa theo chuỗi giá trị”.
Thanh Giang- Hải Tú