Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp là cơ hội để thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thay vào đó là một nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, giúp nông nghiệp vươn xa và có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng. Xác định, muốn CĐS lĩnh vực nông nghiệp thành công phải bắt đầu từ nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền về CĐS đến người nông dân đang được các cấp, ngành thực hiện.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn thành viên HTX Anh Tài, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) sử dụng mạng xã hội quảng cáo cam Sành. |
Vụ cam năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Anh Tài, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) có hàng nghìn tấn cam đưa ra ngoài thị trường. Song do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố và tiêu thụ sản phẩm cam Hà Giang theo phương thức truyền thống gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến online đã trở thành phương án hữu hiệu giúp HTX tiêu thụ được cơ bản số cam của mình.
Anh Phạm Quang Tuyên, Giám đốc HTX Anh Tài, cho biết: “Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, để không bị đứt gẫy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, Fanpage và sàn thương mại điện tử. Theo đó, các thành viên HTX đã tích cực sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video giới thiệu về quá trình chăm sóc, thu hoạch cam và tìm kiếm thêm khách hàng mới. Qua đó đã kết nối được với chuỗi siêu thị Vinmart và các tư thương khác tiêu thụ sản phẩm cam của HTX, giúp cho HTX có đầu ra ổn định”.
Tương tự, HTX sản xuất rau sạch và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) là một trong những mô hình tiêu biểu thực hiện sản xuất nông nghiệp thông minh và CĐS trong nông nghiệp bằng các giải pháp đồng bộ như: Nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, tem truy xuất nguồn gốc QR code. Ngoài ra, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội, nên dù dịch Covid-19 tác động nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX vẫn duy trì, phát triển ổn định.
Ông Đoàn Công Oánh, đại diện HTX chia sẻ: “Tôi không ngại tiếp cận cái mới, nhờ áp dụng KHKT và chuyển đổi mô hình sản xuất mà năng suất, chất lượng các loại cây trồng tăng lên; giúp tôi giảm công sức, chi phí đầu tư và tăng thu nhập. Việc áp dụng công nghệ số tôi hy vọng sản phẩm có đầu ra tốt, tăng sức cạnh tranh trên thị trường với toàn bộ quy trình sản xuất đều thể hiện rõ ràng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc”.
Hiện nay, với vai trò cầu nối để người sản xuất nông nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị cho người nông dân những kiến thức cần thiết về CĐS để họ tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, qua đó tự nguyện tham gia tiến trình CĐS với phương thức phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Nguyễn Thị Thúy cho biết: CĐS là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra với giá cao nhất. Để nông dân nâng cao năng lực CĐS, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet và thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp...
Có thể khẳng định, trong thời đại 4.0 hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đang được người nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng để giải bài toán năng suất, chất lượng và giá trị. Từ thực tế đó, việc đẩy mạnh tuyên nhằm dẫn dắt người nông dân tham gia tiến trình CĐS cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương nhằm góp phần thực hiện thành công chương trình CĐS toàn diện của tỉnh.
BHG
Ý kiến bạn đọc