Thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Năm 2022 xã Hùng An tiếp tục duy trì mô hình điểm, đồng thời nhân rộng mô hình theo đặc thù của từng thôn bản, với phương châm: khai thác cây, con giống bản địa ngắn ngày, phát huy tối đa sức lao động của các hộ dân, phấn các hộ nghèo, cận nghèo sau khi thực hiện mô hình đều có thu nhập và việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Đặng Văn Yên thực hiện cải tạo vườn tạp |
Anh Đặng Văn Yên, thôn Bó Loỏng, nằm trong diện hộ cận nghèo của xã. Với diện tích vườn hiện có gần 2.000 m2, những năm trước gia đình anh Yên chỉ trồng rau phục vụ chăn nuôi, do không nắm vững kỹ thuật trồng trọt, thêm vào đó việc bố trí, quy hoạch giống cây trồng chưa hợp lý, nên chưa phát huy được tiềm năng, hiệu quả sử dụng đất, dẫn tới thu nhập của gia đình không ổn định, nguy cơ tái nghèo còn cao. Với phương châm tự lực của các gia đình là chính, ngoài ra được huy động đóng góp từ nguồn xã hội hóa và hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước.
Các mô hình cải tạo vườn tạp được thực hiện với sự trợ giúp của các đơn vị đang mang lại chất lượng cao hơn |
Năm 2021, xã Hùng An đã lựa chọn hộ cận nghèo Đặng Văn Yên tại thôn Bó Loỏng tổ chức ra quân làm điểm của huyện, và chọn hộ cận nghèo Trương Văn Tuấn thôn Hùng Thắng làm điểm của xã, các thôn còn lại lựa chọn từ 1-2 hộ thực hiện hằng năm. Ngoài ra, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận đỡ đầu hỗ trợ gia đình bà Hoàng Thị Dung, thôn Tân Hùng cải tạo vườn tạp. Đến nay các hộ đã cải tạo được cảnh quan, cải tạo khuôn viên nhà ở, khu vực chăn nuôi hợp vệ sinh, đồng thời nắm vững kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi áp dụng vào cuộc sống, không còn nguy cơ tái nghèo
Để các hộ cải tạo vườn tạp đảm bảo các tiêu chí, phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình, xã Hùng An đã phối hợp với ngành chức năng của huyện khảo sát, thiết kế sơ đồ vườn để cải tạo và hướng dẫn cải tạo, chuyển đổi vườn tạp theo quy định, bảo đảm các yếu tố: bố trí lại không gian nhà ở với đất vườn, tổ chức trồng hàng rào cây xanh khuôn viên gia đình; quy hoạch lại các công trình vệ sinh, bố trí di rời khu chăn nuôi ra xa nhà ở, làm vườn rau xanh phục vụ sinh hoạt, cải tạo lại vườn đồi trồng các loại cây ăn quả, như thanh long ruột đỏ, cây dược liệu. Bằng việc làm thiết thực theo hướng cầm tay chỉ việc, sự hỗ trợ về ngày công lao động, cây giống, phân bón, kỹ thuật canh tác đã góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo có thêm động lực quyết tâm thoát nghèo
Bằng cách làm sáng tạo, khai thác thế mạnh các loại cây con giống ở địa phương, khơi dậy tinh thần tự lực sức lao động của hộ nghèo, cận nghèo là chính, bước đầu chương trình cải tạo vườn tạp trên địa bàn xã Hùng An đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, chuyển dần tư duy trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước sang tự vận động vươn lên thoát nghèo là chính./.
Chí Cường - Hoàng Khá (Bắc Quang)
Ý kiến bạn đọc