Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hà Giang: Bảo vệ an toàn các hồ, đập thủy điện mùa mưa lũ 2022

22:27, 22/07/2022

Trước mùa mưa lũ năm 2022, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ và đảm bảo an toàn các hồ đập thủy điện, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác đảm vệ an toàn các hồ, đập thủy điện trong mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn cho các vùng hạ du và các nhà máy thủy điện trên địa bàn của tỉnh.

Một công trình thủy điện trên sông Lô đang giai đoạn hoàn thiện chuẩn bị tích nước

Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện trên địa bàn Hà Giang hiện có 77 dự án thủy điện có tổng công suất trên 1.061 MW; trong đó, có 37 nhà máy thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia với tổng công suất trên 738 MW; phí dịch vụ môi trường rừng đạt 29,63 tỷ đồng. Hiện đang có 4 nhà máy thủy điện đang thi công với tổng công suất lắp máy 106 MW; 28 dự án thủy điện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư; 8 dự án thủy điện đã được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu bổ sung qui hoạch.

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong thời gian qua, đa số các chủ đầu tư thủy điện chấp hành đúng qui định của pháp luật trong đầu tư xây dựng và quản lý công trình. Trong 36 nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện, các chủ đầu tư đều chấp hành đúng qui trình vận hành hồ chứa, đăng ký an toàn hồ đập, kiểm định an toàn đập. Nhưng công tác cung cấp thông tin giữa các nhà máy thủy điện không được thường xuyên, kịp thời dẫn đến thiếu đồng bộ về cung cấp thông tin vận hành, xả lũ và đón lũ. Trong các đợt lũ xảy ra do mưa lớn vào thời điểm tháng 6.2022, một số nhà máy thủy diện thiếu sự liên kết trong vận hành xả nước và đón lũ dẫn đến hiện tượng ngập úng cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Mực nước trên sông Lô qua địa bàn thành phố Hà Giang lên nhanh trong đợt lũ vừa qua

Từ thực tiễn đó, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý hồ, đập của các công trình thủy điện như: Cần phối hợp chặt chẽ về cung cấp thông tin, vận hành, đón lũ và xả lũ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân ở các khu vực hạ du, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão. Xác định khoảng cách giữa các nhà máy thủy điện để tính toán thời gian xả lũ phù hợp; xác định trách nhiệm của người ra quyết định xả lũ và trách nhiệm của các nhà máy thủy điện. Đối với nhà đầu tư thủy điện đã được UBND tỉnh cho chủ trương cần thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật liên quan đến thủy điện; thực hiện nghiêm túc về công tác an toàn hồ đập; thực hiện đầy đủ các loại thuế theo qui định; các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thủy điện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và giải tỏa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai đầu tư; các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các công trình thủy điện nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và chất lượng công trình; xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư không chấp hành qui định…

Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sở Công thương cần thường xuyên có biện pháp giám sát, đánh giá các hoạt động của các nhà máy thủy diện; quá trình chấp hành các nghĩa vụ về tài chính và nghĩa vụ đối với địa phương; cần có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các chủ đầu tư; rà soát, qui hoạch các nhà máy thủy điện nhằm tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo thực hiện. Chủ tịch UBND các huyện cần có sự tham gia tích cực và chịu trách nhiệm khi phối hợp cung cấp thông tin về vận hành và đón, xả lũ. Sở Tài nguyên Môi trường cần hướng dẫn các chủ đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; hệ thống quản lý thủy văn đối với các nhà máy thủy điện…                                                              

                                                              Phạm Văn Phú

                                                    (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)


Ý kiến bạn đọc