Chuỗi giá trị nông nghiệp là một tập hợp những hoạt động do nhiều người khác nhau tham gia thực hiện để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp, sau đó bán cho người tiêu dùng. Xây dựng những chuỗi giá trị sẽ giúp các mắt xích phát triển rời rạc liên kết với nhau để tăng giá trị. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực xây dựng các chuỗi giá trị để tạo sinh kế cho người dân.
Xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp để tạo sinh kế cho người dân
Năm 2023, nhiều địa phương của huyện Xín Mần đang tiếp tục mở rộng diện tích liên kết với các doanh nghiệp |
Huyện Xín Mần hiện vẫn đang rất tích cực để tạo thành các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bởi sau thành công của củ cải xuất khẩu sang Nhật Bản thì đã chứng minh cho thấy hiệu quả của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo sinh kế cho người dân. Năm 2023, nhiều địa phương của huyện đang tiếp tục mở rộng diện tích liên kết với các doanh nghiệp. Ngay tại thị trấn Cốc Pài của huyện cũng đang nhân rộng mô hình trồng bí xanh.
Có thể thấy, liên kết tiêu thụ sản phẩm là hướng mà tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện. |
Năm nay, thị trấn Cốc Pài tiếp tục nhân rộng diện tích lên 5 ha trồng bí xanh và được nhân dân trồng trên diện tích đất trồng một vụ. Điều quan trọng là sau khi thu hoạch, thị trấn sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để đưa sản phẩm Bí xanh ra tiêu thụ ở thị trường ngoài huyện. Ngành nông nghiệp của Hà Giang thời gian qua đã xây dựng thành công nhiều mối liên kết theo chuỗi giá trị. Những chuỗi liên kết sản phẩm mật ong bạc hà, cam sành, chè shan tuyết và mới đây là củ cải của huyện xín Mần đã có sự liên kết chặt từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện đang có 37 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm |
Tham gia vào những chuỗi liên kết thì người nông dân cũng có thêm kinh nghiệm, tư vấn của doanh nghiệp để sản xuất những sản phẩm phù hợp hơn. Khi mà nắm rõ được thị trường thì người nông dân không phải lo về việc tiêu thụ. Bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa cũng đã có lời giải. Những chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích. Và các địa phương cũng đang tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết như thế này.
Toàn tỉnh hiện đang có 37 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có 3 dự án cấp tỉnh và 34 dự án cấp huyện, thành phố. Được biết, trong số các dự án này có 9 dự án trồng trọt, 24 dự án chăn nuôi và 1 kế hoach thủy sản. Hiện đang có 31 HTX, 3 doanh nghiệp là đơn vị chủ trì liên kết và các tác nhân tham gia gồm 6 doanh nghiệp, 51 HTX và 401 hộ sản xuất. Có thể thấy, liên kết tiêu thụ sản phẩm là hướng mà tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện. Tuy vậy, những mối liên kết vẫn chưa thật sự khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh. Việc tổ chức lại sản xuất là điều cần thiết ở thời điểm này./.
Thu Hoài- Tiến Thành
Ý kiến bạn đọc