Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Nâng cao giá trị kinh tế rừng

16:00, 04/10/2023

Trồng rừng và bảo vệ rừng không chỉ là mục tiêu tăng tỉ lệ che phủ rừng mà còn là tiêu chí phát triển bền vững trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, bởi rừng là nguồn sinh kế, thu nhập của người dân. Với tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh chiếm 72,69% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tài nguyên rừng của tỉnh hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Nhiều địa phương trình tỉnh chuyển đổi diện tích đất đồi kém hiệu quả để trồng cây lâm nghiệp

Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2023, tổ hợp tác trồng rừng thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên  có 23 thành viên tập trung phát triển mô hình trồng cây lâm nghiệp với diện tích khoảng 30 ha, chủ yếu là cây keo, quế, bạch đàn. Nhận thấy trên địa bàn thôn có nhiều đất đồi tạp của người dân có tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng, ông Nguyễn Xuân Tài, Tổ trưởng tổ hợp tác đã bàn với các gia đình trong thôn chuyển đổi diện tích đất đồi kém hiệu quả để trồng cây, gây rừng, phát triển kinh tế.

Người dân tích cực chăm sóc rừng trồng

Những năm qua, huyện Bắc Quang đã tập trung đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Với trên 70 nghìn ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó khoảng 20 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Đây là lợi thế để việc triển khai trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Toàn tỉnh có trên 464.000 ha đất có rừng; 103.000 ha rừng đã giao cho các tổ chức, gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý. Trong đó, có trên 9.162 ha rừng được cấp Chứng chỉ rừng bền vững. Cùng với công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang hướng sản xuất hàng hóa được định hướng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Hiện, Hà Giang tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện đồng bộ các giải pháp về: Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao giá trị kinh tế rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân; huy động nguồn lực để bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025: Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 60%; nâng tổng diện tích rừng được cấp Chứng chỉ FSC lên 15.600 ha; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 20% trong cơ cấu giá trị của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản./.

Phương Thảo – Công Sáu

 


Ý kiến bạn đọc