Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Tìm hiểu quan điểm của Bác Hồ về giáo dục

17:56, 25/09/2021

Trên con đường đi tìm đường cứu nước, từ thực tế của cuộc khảo sát vòng quanh thế giới, Nguyễn ái Quốc - Bác Hồ của chúng ta, nhận thấy các nước thuộc địa là những quốc gia có nền giáo dục bất cập với sự phát triển chung và ngày càng có khoảng cách xa vời với văn minh và khoa học kỹ thuật của nhân loại. Liên hệ với nước ta, Người cho rằng chính dốt nát đã gây ra đói nghèo, đã đẩy một dân tộc có bề dày lịch sử, có truyền thống quật cường bất khuất rơi vào vòng nô lệ. Và Người đi đến kết luận: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người tìm thấy điểm nút ở chính sách cai trị của thực dân Pháp là “ngu dân”. “ở Đông Dương nhà tù nhiều hơn trường học dân chúng đã phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm....và không có quyền tự do học tập”. Bởi vậy ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là: “Kiến thiết nền giáo dục”. ở phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ Tịch đã đề ra nhiệm vụ trước mắt là: “Chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Vào thời điểm nước sôi lửa bỏng như thế mà Bác đặt diệt giặc dốt trước giặc ngoại xâm, không phải là ngẫu nhiên Người kêu gọi các cháu học sinh phải chăm chỉ học tập để sau này phụng sự Tổ quốc, nhằm đưa nước ta sánh vai cùng cường quốc năm châu. Người kêu gọi toàn dân tham gia học tập, diệt giặc dốt, người biết ít bày cho người chưa biết, vợ chưa biết thì chồng bảo, cha mẹ không biết thì con bảo... Yêu cầu xoá mù chữ mà Bác nêu ra rất thiết thực: Học vệ sinh để bớt đau ốm, học tri thức khoa học để bớt mê tín, học bốn phép tính để làm ăn có ngăn nắp, học lịch sử và địa lý để nâng cao lòng yêu nước, học đạo đức công dân để thành người công dân đứng đắn. Cả đất nước dấy lên phong trào học tập, vừa đánh giặc vừa đi học. Nhờ vậy chỉ trong ba năm đất nước đã giải quyết cơ bản nạn mù chữ với gần 8 triệu người được xoá mù chữ. Hà Tĩnh là tỉnh đi đầu trong phong trào đó và vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì về thành tích bình dân học vụ.

Điều nổi bật ở quan điểm giáo dục của Hồ Chủ tịch là giáo dục nhằm đào tạo nên những người có đức, có tài cho công cuộc đấu tranh giành độc lập và kiến thiết nước nhà. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người, sự nghiệp giáo dục là “trồng người”. Bác nói: “Học để làm việc, để làm người”. Để học làm người, thì học phải đi đôi với hành, giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Có thể nói đây là quan điểm xuyên suốt trong nền giáo dục nước ta, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định chương trình giáo dục cũng như các chính sách và chế tài của Nhà nước đối với giáo dục. Dạy và học phải thiết thực, phải phát huy được năng lực sáng tạo của học sinh, phải chống bệnh “hữu danh vô thực”. Học để làm việc chứ không phải để lấy thành tích, “sính bằng cấp”. Bác luôn nhắc nhở “Học và hành phải đi đôi, học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy”. Khi huấn luyện phải xác định huấn luyện cái gì? Đó là phải huấn luyện lý luận, huấn luyện công tác, huấn luyện văn hoá, huấn luyện chuyên môn. Như vậy quan điểm học phải đi đôi với hành, phải vận dụng sát thực tiễn là rất rõ ràng. Điều này để chúng ta suy nghĩ đến mục tiêu và phương pháp giáo dục hiện nay trong các nhà trường đã đáp ứng được mong muốn của Bác chưa. Con người muốn vươn lên làm chủ mình thì phải thường xuyên học tập, chính vì vậy mà Bác Hồ luôn dạy chúng ta phải học tập suốt đời, học từ khi lọt lòng cho đến già. Từ tuổi bé thơ “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”, đến tuổi thiếu nhi Bác dạy là “Học tập tốt, lao động tốt”. Dù hoàn cảnh nào Bác Hồ cũng lấy sự học làm đầu. Trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Bác vẫn yêu cầu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”. Bác cho rằng: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Toàn xã hội phải chăm lo giáo dục, ai cũng phải đi học: “Từ trước đến nay đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau đồng bào phải cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập”. Điều mong muốn của Bác là mỗi người dân “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Quan điểm giáo dục là quốc sách, là nội lực để dân giàu, nước mạnh; xây dựng một xã hội học tập và học suốt đời, học để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của Bác là quan điểm giáo dục hiện đại cả về lý luận và thực tiễn, đang trở thành đường lối giáo dục cơ bản của Đảng ta hiện nay.

Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu các dân tộc Hà Giang (15.11.1965). Ảnh: TƯ LIỆU

Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu các dân tộc Hà Giang (15.11.1965). Ảnh: TƯ LIỆU

Thực hiện quan điểm Hồ Chí Minh về giáo dục, kỷ niệm 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang, thiết nghĩ Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang cần tập trung nâng cao dân trí, xem là cốt lõi của bình đẳng giữa các dân tộc, con đường đúng đắn nhất để đưa Hà Giang phát triển như điều Bác mong muốn. Vẫn biết bình thường thì ở vùng sâu, vùng xa con em đi học đang rất khó khăn, nay lại thêm đại dịch Covid-19 càng khó khăn hơn. Nhưng ghi nhớ lời Bác khó khăn đến đâu cũng phải vượt qua, sáng tạo vận dụng theo điều kiện cụ thể thầy và trò tổ chức dạy và học thật thiết thực và có hiệu quả. Với một tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Giang đã rất chú trọng đến giáo dục, đến khuyến học, khuyến tài, đào tạo nghề. Hiện đang chuẩn bị mở phân hiệu Đại học Thái Nguyên, đang tổ chức sắp xếp các ngành học, cấp học hợp lý để con em dân tộc nào, vùng nào cũng được đến trường, cũng có điều kiện để được học, được nâng cao trình độ. Đây cũng là nội dung quan trọng để đưa Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ vào cuộc sống.

TS Đặng Duy Báu

 


Ý kiến bạn đọc