Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030"

16:25, 16/11/2021

Ngày 16/11, tại tỉnh Lào Cai đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương và đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lào Cai đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030"

Bí thư tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh tham dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Lào Cai

Tham dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Lào Cai về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Uỷ viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang. Dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Nguyễn văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh...

Các đồng chí lãnh đạo tham dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Hà Giang

Tại hội thảo các học giả, nhà quản lí, chuyên gia quốc tế và trong nước cùng trao đổi, xác định các thành tựu, hạn chế, cơ hội, thách thức, lợi thế và tiềm năng cho sự phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, từ đó đề xuất các định hướng và các giải pháp thúc nhằm đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đa số ý kiến khẳng định: Đây là một trong 6 vùng phát triển KTXH của cả nước, là vùng có vị trí KTXH, ANQP và đối ngoại đặc biệt quan trọng của cả nước. Vì vậy, phát triển vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển KTXH của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng và từng địa phương trong vùng, nhất là các di sản văn hóa đặc sắc; tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng; vị trí kết nối giữa Lào và các tỉnh miền Tây Trung Quốc với ASEAN và với biển. Hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển nhanh, hiệu quả.

Các chuyên gia tham gia hội thảo

Hội thảo, đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm phát triển bền vững vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về thể chế liên kết, điều phối phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh; những đột phá trong bối cảnh mới để phát triển du lịch; phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ chế, chính sách huy động và phân bổ các nguồn lực cho KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh… Phát triển vùng trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, các di tích lịch sử và văn hóa; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới, nhất là công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng giá trị và hiệu quả. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với từng địa phương và toàn vùng; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế. Xây dựng cơ chế liên kết và điều phối phát triển vùng hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng khác trong cả nước, mở rộng quan hệ đối ngoại và tăng cường hội nhập quốc tế ...

Bí thư tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang đề xuất: Quan tâm xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng liên kết trong đào tạo trình độ cho lao động nông thôn. Đối với y tế vùng Trung du và Miền núi phía bắc cần đẩy mạnh liên kết về hệ thống y tế, đảm bảo cân bằng phát triển KTXH. Cùng với đó, liên kết vùng về y tế, như tỉnh Hà Giang có thể đặt sten Tim và mạch não qua hình thức trực tuyến. Qua đó, các tỉnh trong vùng có thể liên kết về y tế theo hình thức trực tuyến. Về liên kết trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực: Hà Giang tới đây sẽ có Phân hiệu Đại học Thái nguyên tại tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và các tỉnh như: Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng để tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phục vụ các khu các khu công nghiệp của các tỉnh trong khu vực. Hà Giang cũng có mô hình Trường nội trú liên cấp, qua đó, giúp các cháu học sinh người dân tộc thiểu số có thể theo học hết cấp 3. Trong lĩnh vực văn hóa, cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Quan tâm thưc hiện một số chính sách lớn để tạo động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng nhanh và bền vững như với tỉnh Hà Giang là các chương trình làm nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở hay chương trình cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Đình Anh - Hồng Duyên

 


Ý kiến bạn đọc