Trong năm COVID-19 thứ hai, các quốc gia sẽ không chỉ thích nghi với cuộc sống bình thường kiểu mới mà còn phải giải quyết những vẫn đề âm ỉ đã tồn tại từ lâu.
Israel mở lại kinh tế sau khi hoàn tất tiêm vaccine COVID-19
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đặt mục tiêu, chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 tại nước này sẽ hoàn tất trong tháng 3 tới, lấy đây làm điều kiện then chốt để mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong tháng 4. Từ đầu tuần này, Israel đã cho phép mở cửa trở lại nhiều cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, một số cơ sở giải trí chỉ mở cửa cho những người đã được điều trị khỏi COVID-19 hoặc đã tiêm chủng vaccine. Như vậy, để hiệu quả phòng dịch có được nhiều bước tiến xa hơn, nền móng phải vững chắc.
Jordan: Người tị nạn là một trong những nhóm ưu tiên tiêm vaccine COVID-19
Jordan đã ra một quyết định có tác động lâu dài, theo đó nước này coi người tị nạn là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa vaccine COVID-19. Đây là chính sách khác biệt của Chính phủ Jordan - tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bất kể họ có tình trạng cư trú như thế nào. Điều đáng nói là Jordan còn nhiều khó khăn về kinh tế, nguồn lực vaccine COVID-19 còn hạn chế. Chính điều này đã khiến Jordan là hình mẫu đối lập với "chủ nghĩa dân tộc vaccine".
Hàng triệu người ở Texas phải sống trong cảnh mất điện trong những ngày qua. (Ảnh: AP)
Bài toán lưới điện chưa có lời giải ở Texas, Mỹ
Cơn bão tuyết kỷ lục càn quét qua hàng loạt bang tại Mỹ vừa qua đã cho thấy rõ hậu quả của việc "lấy ngắn nuôi dài". Tại một bang giàu có như Texas, hàng triệu người dân đã phải sống trong cảnh mất điện, không thể sưởi ấm trong nhiều ngày. Lỗ hổng trong hệ thống năng lượng đã phát lộ rõ.
Texas là bang duy nhất ở Mỹ có thị trường điện hoạt động phi điều tiết, khiến giá điện có thể dao động từ 20 - 9.000 USD/1.000 kWh. Mạng lưới điện của bang này do Hội đồng Điện lực của bang Texas và một vài công ty nhỏ hơn chi phối. Để cạnh tranh, các công ty sẵn sàng đưa ra những mức giá rẻ hấp dẫn với khách hàng và đánh đổi bằng rủi ro sử dụng cơ sở hạ tầng cũ kỹ thay vì nâng cấp hoặc chuẩn bị dài hạn. Và khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao, hệ thống điện của khu vực không đủ khả năng cung ứng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ đây không phải là lần đầu tiên mà Texas phải chịu cảnh này.
Texas còn là bang duy nhất có lưới điện tách biệt với cả nước Mỹ, được xây dựng từ Thế chiến II. Nếu giới chức Texas không tự nâng cấp nguồn cung điện hoặc hòa chung với lưới điện quốc gia, người dân sẽ phải đối mặt với cảnh mất điện, mất nước trong tương lai.
Phí nội dung tin tức - nguồn thu trước mắt, lợi ích lâu dài
Đại dịch khiến môi trường số ngày càng đông người dùng. Tuy nhiên, có lẽ các nhà khai thác nội dung mạng đang quên rằng, chính phủ các nước đang số hóa và câu chuyện kiểm soát các nền tảng số cũng là chính sách lâu dài được ưu tiên.
"Faceblock" hay "Unsocial network" là một loạt những cụm từ mang tính chơi chữ nhằm vào "gã khổng lồ" mạng xã hội Facebook sau khi mạng xã hội này quyết định chặn tất cả trang tin tức chia sẻ trên nền tảng của hãng tại Australia. Và câu trả lời cho hành động "nhập gia nhưng không tùy tục của Facebook" này đã được đưa ra. Ngày 25/2, Quốc hội Australia đã thông qua bộ quy tắc thương lượng truyền thông do Chính phủ liên bang đề xuất, quy định các công ty công nghệ toàn cầu phải trả phí cho việc nội dung tin tức của những hãng truyền thông xuất hiện trên nền tảng của họ ở Australia. Quyết định của Chính phủ Australia đã "phất cờ" để một loạt quốc gia như Mỹ, Canada, Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt đánh tiếng đến các mạng xã hội.
Việc yêu cầu các "ông lớn" trên Internet phải trả phí không phải chỉ giải quyết chuyện nguồn thu nhập của báo giới. Chuyện các mạng xã hội phải trả phí cũng sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn với những thông tin báo chí được đưa lên nền tảng của họ, bớt tin giả, tin kích động bạo lực. Lợi ích lâu dài có thể thấy rõ đối với các quốc gia. Còn đối với các mạng xã hội như Facebook hay Google, câu chuyện này chỉ giống như "bớt lãi một chút".
Đề xuất phụ nữ thành thị kết hôn với nam giới nông thôn tại Trung Quốc
Vấn đề hôn nhân, tồn tại đã lâu ở Trung Quốc, trong tuần qua lại trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội. Cuộc tranh cãi được châm ngòi bởi một phát biểu của một chuyên gia kêu gọi, chính quyền khẩn trương giải quyết tình trạng gia tăng số người chưa kết hôn bằng cách khuyến khích phụ nữ độc thân ở thành thị về nông thôn lấy chồng.
Tại khu vực nông thôn Trung Quốc, việc đàn ông cạnh tranh với nhau để có được một người vợ ngay tại địa phương rất khốc liệt bởi phụ nữ thường kiếm việc làm và tìm người kết hôn ở thành phố. Trong khi đó, nhiều phụ nữ ở thành phố có học thức cao và thu nhập khá, đang có xu hướng lựa chọn cuộc sống độc thân. Đề xuất trên nhanh chóng vấp phải chỉ trích vì nhiều người cho rằng, điều này là phi thực tế.
Nguồn: VTV
Ý kiến bạn đọc