Để đối phó với đại dịch Covid-19, nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới đang nghiên cứu, bào chế thuốc viên có tác dụng ngăn chặn, điều trị vi rút SARS-CoV-2. Đây được xem là loại "vũ khí" mới mang đến sự tiện dụng, an toàn và đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, để loại thuốc này thực sự ngăn chặn và điều trị được vi rút SARS-CoV-2 cần có thêm thời gian chứng minh.
Các hãng dược đang chạy đua trong việc tạo ra một loại thuốc uống có thể kháng SARS-CoV-2 thực sự hiệu quả. |
Ngày 27-9, Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo đang bước sang giai đoạn giữa và cuối của tiến trình thử nghiệm lâm sàng thuốc viên kháng SARS-CoV-2 dành cho những người đã nhiễm bệnh. Theo giám đốc phụ trách khoa học của Pfizer, Mikael Dolsten, loại thuốc này được Pfizer phát triển từ tháng 3-2020, mang tên PF-07321332. Trong giai đoạn thử nghiệm mới sẽ có sự tham gia của 2.660 người trưởng thành có triệu chứng mắc Covid-19 hoặc được xác định đã tiếp xúc với nguồn bệnh. Những tình nguyện viên này được chỉ định ngẫu nhiên, uống thuốc PF-07321332 kết hợp với ritonavir - loại thuốc được sử dụng kết hợp trong điều trị HIV. Người tham gia thử nghiệm sẽ uống giả dược 2 lần/ngày, trong 5 hoặc 10 ngày, qua đó đánh giá độ an toàn và hiệu quả của PF-07321332 trong việc ngăn chặn lây nhiễm SARS-CoV-2 và sự phát triển của các triệu chứng bệnh trong chu kỳ 14 ngày.
Bên cạnh Pfizer đang nỗ lực tạo ra loại thuốc viên kháng SARS-CoV-2, Công ty Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics (Mỹ) cũng đã khởi động việc đánh giá thuốc Molnupiravir về khả năng giảm thiểu nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với bệnh nhân mắc Covid-19. Những nghiên cứu này đang có nhiều thuận lợi, bởi thuốc viên kháng vi rút từ lâu đã được sử dụng để điều trị nhiều căn bệnh do vi rút gây ra, như viêm gan C hay HIV/AIDS. Một trong những sản phẩm được sử dụng rộng rãi nhất là Tamiflu - loại dược phẩm dùng trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) vào năm 2003. Tuy nhiên, để tạo ra "vũ khí" thực sự có hiệu quả cần thêm thời gian.
Trên lý thuyết, các loại thuốc điều trị và ngăn ngừa nhiễm vi rút ở người và động vật tuy khác nhau về phương thức nhưng đều chung một mục đích là để tăng cường hệ thống miễn dịch, chống nhiễm khuẩn, đồng thời giảm thiểu lượng vi rút hoạt động. Cụ thể, thuốc PF-07321332 sẽ ngăn chặn các enzyme chủ chốt cần thiết mà SARS-CoV-2 cần để nhân bản. Tuy nhiên, các loại thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 hiện mới có hiệu quả trong điều trị cho những bệnh nhân mới nhiễm bệnh. Theo giới chuyên môn, khi bệnh đã chuyển nặng, phần lớn vi rút ngừng nhân bản, khiến việc dùng thuốc kháng vi rút có thể tạo phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Ở thời điểm này, bệnh nhân sẽ cần các loại thuốc khác như Corticosteroid, Kevzara hay Actemra - những dược phẩm đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt phục vụ điều trị Covid-19.
Có thể thấy, việc nghiên cứu, sản xuất thuốc viên kháng vi rút SARS-CoV-2 được nhiều quốc gia kỳ vọng, trong bối cảnh biến chủng Delta đang đẩy hệ thống y tế nhiều nước vào tình trạng quá tải. Mỹ đã công bố đầu tư tới 3,2 tỷ USD phục vụ cho các nghiên cứu thuốc kháng Covid-19, trong khi Hàn Quốc mới đây cũng phân bổ ngân sách tới 30,8 triệu USD để mua thuốc điều trị Covid-19 dạng viên. Các hãng dược của xứ Kim chi cũng đang phát triển 11 loại thuốc điều trị Covid-19 dạng viên...
Từ trước đến nay, vắc xin vẫn là "vũ khí" hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống Covid-19. Việc phát triển thêm thuốc viên kháng vi rút SARS-CoV-2 là sự bổ sung rất quan trọng và cần thiết để đẩy lùi đại dịch bởi nó có nhiều tính năng ưu việt, vừa có tác dụng điều trị trực tiếp, vừa dễ sử dụng. Quan trọng hơn, loại thuốc viên kháng SARS-CoV-2 này sẽ mở ra cơ hội, giúp cuộc sống của người dân trên toàn cầu sớm trở lại với trạng thái "bình thường mới".
Nguồn: hanoimoi.vn
Ý kiến bạn đọc