Từ ngày 01/08, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận và điều trị cho 7 trẻ em bị ngộ độc quả Hồng Châu tại huyện Đồng Văn và 2 người bị ngộc độc thực phẩm do ăn bánh bột ngô tại huyện Mèo Vạc. Do nhiễm độc Hồng Châu nặng nên trong ngày 01/08 đã có một trẻ tử vong, 3 trẻ đã được chuyển tuyến lên Bệnh viện nhi trung ương để điều trị tích cực. Số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được điều trị tích cực và đang phục hồi sức khỏe tốt.
Bác sỹ bệnh viện đa khoa tỉnh tích cực điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm |
Theo thông tin ban đầu do gia đình các cháu bị ngộ độc quả Hồng Châu cho biết: 11 trẻ em đều sinh sống tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng và thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn. Trong dịp nghỉ hè các cháu rủ nhau đi cắt cỏ cho gia súc xong, sau đó các cháu đã rủ nhau đi hái quả Hồng Châu để ăn. Đến cuối buổi chiều 31/7, tất cả 11 trẻ ở 2 thôn sau khi ăn quả hồng châu đều xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn. Sau khi nhận được thông tin, Bệnh viện đã khoa tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng, máy móc, tổ chức Hội chuẩn trực tiếp với Bệnh viện huyện Đồng Văn, tổ chức sơ cứu theo đúng phác đồ để thải độc cho các bệnh nhân. Đồng thời, quyết định chuyển 5 bệnh nhi có dấu hiệu ngộ độc nặng về ngay Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Sau nhiều giờ điều trị tích cực, đến đầu giờ chiều 1/8, do ngộ độc nặng nên bệnh nhi: Sùng Thị Mỷ, 9 tuổi, thôn Chua Só, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn đã không qua khỏi; 3 bệnh nhi khác có dấu hiệu phục hồi chậm, ngay sau đó Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang đã tiến hành chuyển 3 cháu có tình trạng nặng chuyển về Bệnh viện nhi Trung ương, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các tổ chức thiện nguyện đưa bệnh nhi: Sùng Thị Mỷ về nhà tổ chức mai táng. Rạng sáng ngày 2/8 Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang lại tiếp tục tiếp nhận 2 cháu bị ngộ độc quả Hồng Châu từ bệnh viện huyện Đồng Văn tiếp tục chuyển về, hiện nay cả 3 bệnh nhi đang điều trị tại đây sức khỏe hồi phục rất tốt.
Cũng trong ngày 02/08 Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng tiếp nhận 02 bệnh nhân bị ngộ độc bánh bột ngô từ Bệnh viện huyện Mèo Vạc chuyển về đó là: Bệnh nhân: Vàng Thị Dình và Bệnh nhân: Vừ thị Dính, sinh sống tại thôn Tìa Cô Si, xã Giàng Chiu Phìn, huyện Mèo Vạc. Được biết cả hai bệnh nhân này đều bị ngộ độc từ bánh Bột Ngô tự làm của gia đình, cả hai người đều có dấu hiệu đau đầu, nôn mửa do ngộ độc sâu. Sau khi được cấp cứu tích cực, hai bệnh nhân này cũng đang hồi phục sức khỏe tốt.
Qua hai vụ việc trên rất mong nhân dân các dân tộc trong tỉnh: Không chế biến và ăn bánh ngô từ bột ngô đã bị mốc. Khi thấy bột ngô đã bị lên mốc phải hủy bỏ ngay và cũng không cho gia súc ăn. Đồng thời, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của trẻ em trong dịp hè, không tự ý ăn hoa quả trên rừng mà không được sự cho phép của người lớn, để phòng ngừa ngộ độc dẫn đến tử vong đáng tiếc xảy ra. Trường hợp phát hiện thì cần đưa người bệnh đến Trạm Y tế xã hoặc bệnh viện gần nhất.
Đình Anh - Tuấn Đạt
Ý kiến bạn đọc