Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Những chiến sỹ thầm lặng trong công tác bảo tồn Voọc mũi hếch

20:51, 20/10/2023

Những năm qua, công tác bảo tồn voọc mũi hếch của tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả nổi bật. Có được kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đầu tư của các nhà tài trợ còn có sự đóng góp rất quan trọng của Nhóm bảo vệ cộng đồng. Bằng tinh thần trách nhiệm, tình yêu thiên nhiên, 21 thành viên Nhóm bảo vệ cộng đồng đã lấy rừng làm nhà, đàn voọc mũi hếch như những người thân để bảo vệ, nuôi dưỡng.

Ông Đán Văn Khoan tuần rừng cùng đồng nghiệp theo dấu chân đàn voọc

55 năm tuổi đời, thì có tới 21 năm tham gia Nhóm bảo vệ cộng đồng Khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca, nơi trú ngụ của hơn 160 cá thể voọc mũi hếch. Ông Đán Văn Khoan không thể nhớ nổi mình đã có bao nhiêu nghìn lần vượt thung, băng rừng để theo dấn chân đàn voọc. Với ông, đến với rừng không còn là công việc, trách nhiệm của người gác cửa rừng mà đó còn là tình yêu của con người dành cho thiên nhiên.

Anh Nguyễn Quyết Tâm người trẻ tuổi nhất của Nhóm bảo vệ cộng đồng Khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca

Trong tổng số 21 thành viên của Nhóm bảo vệ cộng đồng Khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca, anh Nguyễn Quyết Tâm là thành viên trẻ nhất với 4 năm tham gia làm công tác bảo tồn. Gác lại những hạnh phúc của tuổi trẻ, bỏ lại sau lưng chốn phồn hoa, anh Tâm gắn bó với Khu bảo tồn như một phần của lẽ sống, là khát vọng của tuổi trẻ.

Nhóm bảo vệ cộng đồng Khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca có 21 thành viên

Ông Khoan, anh Tâm là 2 trong tổng số 21 thành viên của Nhóm bảo vệ cộng đồng Khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca. Đây đều là những người khỏe mạnh thuộc các xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, Tùng Bá huyện Vị Xuyên. Các thành viên được chia thành 2 tổ, định kỳ 1 tháng 15 ngày, các thành viên sẽ luân phiên thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng. Vượt qua những khó khăn khi địa hình phức tạp, những chuyến tuần tra thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Các thành viên Nhóm bảo vệ cộng đồng vẫn cần mần thực hiện công việc của mình. Trong quá trình tuần tra, những chiếc lán giữa rừng, những thùng mì tôm, hộp cá khô luôn được chuẩn bị sẵn để tiếp sức cho những chiến sỹ bảo tồn voọc.

Từ những người sống gần rừng, dựa vào rừng thì nay Nhóm bảo vệ cộng đồng Khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca đã trở thành những người gác cửa rừng. Điều đó không chỉ góp phần phát triển loài linh trưởng có nguy cơ bị tuyệt chủng, bảo tồn đa dạng sinh học. Mà quan trọng hơn điều đó đã cho thấy những thay đổi tích cực trong suy nghĩ của cộng đồng dân cư từ việc sống dựa vào tự nhiên sang sống gần gũi, hài hòa với thiên nhiên.

Hải Tú - Tuấn Quỳnh


Ý kiến bạn đọc