Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân là một trong những biện pháp hiệu quả để rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với dân. Thông qua tiếp dân, cán bộ lãnh đạo nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và tạo được niềm tin trong Nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp.
Hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân huyện Mèo Vạc |
Theo Thanh tra huyện Mèo Vạc, năm 2023, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tiếp nhận 25 lượt công dân đến phản ánh và kiến nghị 24 vụ việc, giảm 03 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Ban Tiếp công dân huyện tiếp nhận 18 lượt/17 vụ việc. UBND các xã, thị trấn tiếp nhận 07 lượt/07 vụ việc. Nội dung tiếp công dân về các vấn đề như: đề nghị giải quyết về đất đai 07 vụ việc; chế độ chính sách 02 vụ việc; đề nghị, phản ánh khác 15 vụ việc. Ban Tiếp công dân huyện đã giải thích và hướng dẫn công dân về UBND xã và các Phòng ban chuyên môn giải quyết theo quy định. Tiếp nhận 65 đơn thư khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh, trong đó: Ban Tiếp công dân huyện tiếp nhận 30 đơn; UBND các xã, thị trấn tiếp nhận 35 đơn kiến nghị, phản ánh. Tăng 07 đơn kiến nghị, phản ánh so với cùng kỳ năm 2022. Số đơn đã chuyển đến cơ quan giải quyết thuộc thẩm quyền 65 đơn, đã giải quyết xong 61 đơn, đạt 93,9%.
Bà Mua Thị Đào, Chánh Thanh tra huyện Mèo Vạc cho biết, việc tổ chức đối thoại, tiếp công dân là trách nhiệm của người đứng đầu. Thông qua tiếp xúc, đối thoại, nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đối với công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, UBND huyện đã chỉ đạo ban hành quyết định kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Tiếp công dân thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện; ban hành thông báo lịch tiếp công dân của của các đồng chí lãnh đạo huyện Mèo Vạc tại trụ sở Tiếp công dân; lịch tiếp công dân của Thường trực HĐND huyện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết kịp thời đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu đảm bảo đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, linh hoạt trong phương thức tổ chức tiếp công dân định kỳ nhằm phát huy tối đa hiệu quả tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, theo bà Mua Thị Đào, để công tác tiếp công dân, đối thoại giữa người đứng đầu các đơn vị, địa phương ngày càng hiệu quả, cán bộ tiếp công dân phải được đào tạo và có trình độ nghiệp vụ giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức về tâm lý xã hội và am hiểu pháp luật, biết cách ứng xử, giao tiếp với công dân. Đồng thời biết tóm tắt, nhận định sự việc một cách chính xác, xử lý các tình huống linh hoạt. Vì trên thực tế, hiện tại các địa phương, ban tiếp công dân vẫn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đồng thời, sau khi tiếp dân, ban tiếp công dân địa phương cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra và cơ quan chuyên môn khác trong việc xử lý đơn thư và đề xuất thụ lý. Đảm bảo sự thông suốt, trôi chảy và thống nhất ngay từ đầu đến khi kết thúc quá trình giải quyết vụ việc.
Bài ảnh: Minh Chuyên (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc