Chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Trong thắng lợi vĩ đại ấy, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của đội dân công cùng những chiếc “xe đạp thồ” ngày đêm âm thầm ra trận phục vụ chiến dịch.
Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trưng bày chiếc xe đạp thồ của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng |
Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện đang trưng bày chiếc xe đạp thồ của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng, tỉnh Phú Thọ, người được mệnh danh là "kiện tướng xe thồ". Chiếc xe đạp đã được ông Thắng cùng các chiến sĩ dân công khác cải tiến để có thể tăng khối lượng thồ lên từ 200 đến trên 300 kg/chuyến, lập lên những "kỷ lục” không tưởng về vận chuyển hàng hóa. Đến Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chị Ma Thị Lanh, con gái út của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng không khỏi bồi hồi xúc động khi được nhìn lại kỷ vật của cha mình trong chiến dịch.
Câu chuyện và hình ảnh chiếc xe đạp thồ đã được cả thế giới biết đến như một “huyền thoại” |
Thời điểm đó, xe đạp là tài sản thuộc hàng hiếm và quý nhưng người dân nhiều tỉnh, thành đã đóng góp 21.000 chiếc xe phục vụ chiến dịch. Khi đó, “Binh chủng xe đạp thồ” ra đời và được tổ chức chặt chẽ như quân đội. Hành quân cùng đoàn xe đạp thồ lên Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ hậu cần, ông Trần Khắc Lộng, thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nhớ như in hình ảnh những chiếc xe đạp thồ cùng lực lượng dân công vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lập nên nhiều kỳ tích và đặc biệt xe đạp là “vua vận tải”. 70 năm sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, câu chuyện và hình ảnh chiếc xe đạp thồ đã được cả thế giới biết đến như một “huyền thoại”. Thứ “vũ khí đặc biệt” ấy đã đánh bại sức mạnh của thực dân xâm lược với hàng vạn vũ khí, trang bị tối tân để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thu Nga- Duy Hải
(Đài PTTH Điện Biên)
Ý kiến bạn đọc