Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Ngày truyền thống Phòng chống thiên tai Việt Nam 22/5: Từ ứng phó đến hành động sớm

16:55, 22/05/2024

Theo dự báo, năm 2024 tiếp tục là một năm thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan. Chính vì vậy, công tác chủ động ứng phó với thiên tai phải luôn được quan tâm và chủ động phòng chống nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại. 

 

Là huyện có địa hình chia cắt, nhiều sông suối, những năm qua, huyện Vị Xuyên luôn chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, nhất là kịp thời ứng phó với những tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra cháy rừng, mưa lớn, mưa đá gây thiệt hại nặng nề. Chính vì vậy, huyện Vị Xuyên đã và đang tiếp tục chủ động các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tiễn.

Theo dự báo, năm 2024 tiếp tục là một năm thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng đỉnh điểm gây ra hạn hán, mưa đá, giông lốc, cháy rừng… Chính vì vậy, các địa phương và người dân cần chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, sẵn sàng phòng chống, bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 đợt thiên tai làm 1 người chết, 7 người bị thương, gần 7.000 ngôi nhà bị hư hỏng, trên 3.200ha lúa, hoa mầu bị ảnh hưởng và nhiều công trình bị hư hỏng. Ước thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, thiệt hại 23,5ha rừng các loại và 2 cán bộ kiểm lâm hi sinh, 2 người bị thương. Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã chủ động triển khai các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, tài chính, ngân sách ứng phó với thiên tai.

Có thể thấy, những năm gần đây, các hình thái thiên tai cực đoan xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Do đó, cần sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân để ứng phó hiệu quả, giảm bớt thiệt hại thiên tai theo tinh thần "Từ ứng phó đến hành động sớm”.

Hải Hà – Hồng Duyên


Ý kiến bạn đọc