Sáng 5/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện, tham gia góp ý Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn. Đến dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo. |
Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 5 Chương, 8 Mục, 61 Điều với 3 chính sách. Tại hội thảo, các đại biểu tham gia góp ý vào Dự thảo Luật, tập trung vào các nội dung như: Tên gọi của Dự thảo Luật và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần quy định rõ về các đối tượng áp dụng của dự thảo Luật bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân nào để các cơ quan, tổ chức, cá nhân biết và thực hiện; đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm loại hình quy hoạch đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ở các đảo vào hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn của quốc gia để đầy đủ, toàn diện hơn; không nên quy định quá cụ thể về thu, quản lý, chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, chỉ quy định những vấn đề gì chưa được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước để bảo đảm đáp ứng với yêu cầu của luật ban hành quy phạm pháp luật. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm dự thảo luật phù hợp với các quy định có liên quan của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật… Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đáp ứng được yêu cầu với gia đoạn phát triển mới của đất nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao trách nhiệm kiểm soát, giám sát việc thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Hải Tú- Phạm Lực
Ý kiến bạn đọc