Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Bắc Quang: Thơm mùa cốm nếp

15:48, 23/09/2024

Là huyện vùng thấp của tỉnh, Bắc Quang có những cánh đồng trồng lúa rộng lớn. Trong đó có 12 xã, thị trấn có truyền thống trồng lúa nếp và sản xuất cốm. Trước đây, cốm nếp là thức quà vặt quen thuộc được người dân chế biến để thưởng thức cùng gia đình. Trải qua thời gian, món ăn này vẫn được lưu truyền và dần trở thành hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân của huyện Bắc Quang.

 

Lúa nếp cái hoa vàng làm cốm

Cứ vào Thu, khi tiết trời se se lạnh thì các xưởng chế biến cốm tươi tại huyện Bắc Quang lại hoạt động từ sáng sớm đến tối muộn. Và để có được những mẻ cốm thơm dẻo, người làm cốm đã phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Sáng sớm là thời điểm thích hợp nhất để gặt lúa nếp. Lúa nếp gặt về không được vò, đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi nấu hoặc rang, rồi mang phơi khô, cho vào máy xát khoảng 4-5 lần, rồi đi sàng, sẩy, gói vào lá dong hoặc lá chuối để giữ mùi thơm của cốm mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Từng công đoạn đều được bà con thực hiện tỷ mỉ, cẩn thận. Do nhu cầu của thị trường, việc làm cốm theo phương pháp thủ công dần được thay thế bằng các lò sấy và xát cốm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và hương vị thơm ngon.

Người dân sơ chế lúa cốm
Người dân sàng sẩy cốm

Cốm nếp thường được người dân làm vào vụ lúa mùa. Theo những người làm cốm nhiều năm, giống lúa rất quan trọng để có thể cho sản phẩm cốm ngon. Thời gian thu hoạch cũng rất được chú trọng vì thời điểm lúa non vừa ngậm đủ sữa là thời điểm làm cốm thích hợp nhất, sẽ cho hạt cốm mềm, xanh, thơm và ngọt, khi ăn có vị bùi. Một kg cốm tươi hiện có giá từ 70 đến 80 nghìn đồng. So với trồng lúa thông thường, với nghề này, thu nhập có thể gấp 2 đến 3 lần. Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng nghề cốm giờ đây đã góp phần tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân tại nhiều xã của huyện Bắc Quang.

Cốm thành phẩm xanh và mềm dẻo

Hiện nay, cốm nếp là sản phẩm rất được ưa chuộng. Từ nhu cầu của thị trường, nông dân của huyện Bắc Quang đã tận dụng sự trợ giúp của máy móc cho một số công đoạn làm cốm, giúp tăng năng suất nhưng vẫn bảo tồn được phương thức làm cốm cổ truyền và sản phẩm vẫn giữ vẹn nguyên hương sắc. Và chính những hạt cốm xanh non, dẻo thơm mang hương vị quê hương đang làm nao lòng bất cứ ai mỗi độ Thu về./.

Thanh Loan - Hoàng Duynh (Bắc Quang)


Ý kiến bạn đọc