Ngày 3/12, Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang đã tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo năm 2024. Dự Lớp tập huấn có 160 học viên là lãnh đạo, cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh và các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang.
Quang cảnh Lớp tập huấn |
Trong 3 ngày, các học viên đã được các giảng viên thuộc Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt các chuyên đề về: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Những vấn đề cần quan tâm trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác tín ngưỡng và tình hình hoạt động tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay; kỹ năng tiếp cận, xử lý các tình huống trong tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ và những điểm mới của Luật Đất đai liên quan đến đất tín ngưỡng, tôn giáo. Kỹ năng nghiệp vụ công tác đối với hiện tượng tôn giáo mới có yếu tố “tà giáo” (đạo lạ, tà đạo). Công tác đối với các tôn giáo: Công giáo, Tin lành và Phật giáo ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra từ hoạt động của các tôn giáo hiện nay…
Các học viên tại Lớp tập huấn |
Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự cố gắng của các cấp, các ngành và cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong tỉnh. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, chấp hành đúng quy định của pháp luật, điều lệ, tôn chỉ, mục đích của các tổ chức giáo hội và thực hiện phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Các giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo được giữ gìn, phát huy. Quan hệ giữa chính quyền với các tổ chức, tín đồ tôn giáo ngày càng cởi mở, gắn bó; chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã quan tâm hướng dẫn, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân, từ đó tạo được sự đồng thuận trong chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo yên tâm, tin tưởng vào chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tích cực tham gia, hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa,… thực hiện sống “tốt đời, đẹp đạo”; Tích cực phối hợp với chính quyền trong đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc./.
Đình Anh
Ý kiến bạn đọc