Hiện nay, bệnh về đường hô hấp đang bùng phát mạnh tại thành phố Hà Giang, gây lo ngại cho cả người lớn và trẻ em. Đáng chú ý, trong đó, số ca mắc sởi tăng nhanh, nhiều ca biến chứng nặng. Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Chị Phạm Thu Hà, tổ 4, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang có con trai 10 tháng tuổi mắc bệnh sởi, ban đầu bé bị sốt, uống thuốc tại nhà không giảm. Hai ngày sau, bệnh càng nặng hơn, phát ban khắp người nên chị đưa bé vào nhập viện để theo dõi. Sau 4 ngày điều trị, đến nay sức khoẻ em bé đã tạm ổn.
Chỉ tính riêng ngày 2/12, trong hơn 100 bệnh nhân nhi mắc bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm đã có 5 ca sởi phải thở ô xy và 2 ca chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực để thở máy |
Bệnh sởi bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 10 với khoảng vài ca mỗi ngày. Tuy nhiên, đến giữa tháng 11, lượng bệnh nhân nhập viện vì bệnh sởi gia tăng, tỷ lệ biến chứng nhiều và nặng, chủ yếu là viêm phổi, suy hô hấp. Chỉ tính riêng ngày 2/12, trong hơn 100 bệnh nhân nhi mắc bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm đã có 5 ca sởi phải thở ô xy và 2 ca chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực để thở máy. Trong đó, hầu hết là trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cấp tính, lây lan rất nhanh, có khả năng gây dịch lớn nếu tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt mức cần thiết. Từ tháng 11 đến nay, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận gần 400 ca sởi. Thậm chí có những ngày tiếp nhận từ 30 đến 40 ca nhập viện, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Tùy theo mức độ sức khoẻ của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ điều trị theo phác đồ phù hợp.
Trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp, ngành Y tế khuyến cáo tất cả trẻ em cần tiêm hai liều vaccine phòng bệnh sởi để đảm bảo có miễn dịch. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện./.
Phương Duyên - Tuấn Đạt
Ý kiến bạn đọc