Mới đây, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét, tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ. Điều này là phù hợp, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nhân dân, đồng thời tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP Hà Giang |
Trong những năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, còn nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng ngang nhiên vi phạm không ngừng tăng, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Trước đòi hỏi của thực tiễn, Chính phủ đã giao cho Bộ Công an, Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan, xây dựng dự thảo Luật Đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở tách Luật giao thông đường bộ sửa đổi, đồng thời bổ sung những điểm cho phù hợp. Thông qua đó sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Từ đó góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn. Bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật giao thông.
Từ thực tiễn triển khai cho thấy, nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng cho các ngành có liên quan. Do vậy, việc xây Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài. Còn xây dựng Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội. Hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại và đồng bộ.
Theo nội dung dự thảo, Luật Đường bộ gồm 3 chính sách là: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông có bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính. Về cơ bản, nội dung của 2 Luật sẽ thống nhất, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ GTVT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn kỹ thuật, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ./.
Văn Bính - Tuấn Quỳnh
Ý kiến bạn đọc