Sáng 19/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, chủ trì hội nghị. Tham dự có Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có lãnh đạo Sở Tư pháp; các cơ quan thuộc khối nội chính.
Điểm cầu tỉnh Hà Giang dự hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm |
Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn ngành Tư pháp đã bám sát chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình KT-XH của đất nước và của từng địa phương. Kết quả công tác trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng pháp luật nói chung, công thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 8 đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra trên 1.300 văn bản; thẩm định 13 điều ước quốc tế; góp ý 52 điều ước, thỏa thuận quốc tế. Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả phục hồi phát triển được tăng cường. Đến nay, có trên 9.700 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt trên 93%. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả; tỷ lệ hòa giải thành công trong các vụ việc ở cơ sở đạt được ở mức cao.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đề nghị toàn ngành tư pháp tham gia có chất lượng trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành TƯ xem xét, ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết và Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác rà soát, thẩm định, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tránh tình trạng nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sớm đưa các luật, pháp lệnh vào cuộc sống, nhất là các luật, pháp lệnh, Nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Triển khai hiệu quả các nội dung Luật Thi hành án dân sự. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp../.
Hải Tú- Minh Hiệu
Ý kiến bạn đọc