Là huyện biên giới với nhận thức của đồng bào còn hạn chế, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Do đó, các lực lượng chức năng huyện Xín Mần, nhất là QLTT đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Xín Mần: Tăng cường các giải pháp để phòng, chống hàng giả
Buổi kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ phiên xã Nàn Ma, huyện Xín Mần |
Một buổi kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ phiên xã Nàn Ma, huyện Xín Mần vừa được Đội Quản lý thị trường số 5 phụ trách huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện. Bên cạnh việc kiểm tra chất lượng các loại hàng hoá về tem, mác, nguồn gốc xuất xứ thì các lực lượng chức năng đã tập trung tuyên truyền cho các tiểu thương tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh.
Là xã có số lượng tiểu thương buôn bán chủ yếu là ở nơi khác đến, trong khi nhận thức của bà con đồng bào về hàng nhái, hàng giả còn nhiều hạn chế. Do đó, công tác phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hoá lưu thông giữa chính quyền cơ sở và lực lượng Quản lý thị trường huyện luôn được xã Nàn Ma quan tâm đẩy mạnh, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Trong 10 tháng năm 2022, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 70 vụ, phát hiện và xử lý 64 vụ vi phạm |
Theo thống kê của Đội QLTT số 5, trong 10 tháng năm 2022, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 70 vụ, phát hiện và xử lý 64 vụ vi phạm. Số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 114 triệu đồng. Trước nguy cơ hàng hoá kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được vận chuyển về khu vực nông thôn để tiêu thụ, thì ngoài việc tập trung xử lý nghiêm đối với các tiểu thương có hành vi vi phạm, thì việc nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng hoá cũng được các cơ quan chuyên môn quan tâm chú trọng.
Kiểm tra tại Quầy thuốc tân dược |
Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực QLTT ngày càng tinh vi, khó lường. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng thì các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là khu vực nông thôn tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả; khuyến cáo người tiêu dùng tẩy chay hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, nói không với các loại hàng thực phẩm nghi không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, vi phạm, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và xã hội./.
Văn Hương
Ý kiến bạn đọc