Những năm qua, cả 3 trường Tiểu học Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn đều được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển giáo dục của huyện Trường Sa, của tỉnh. Để có được kết quả đó, có phần không nhỏ từ công sức của những người thầy tâm huyết, ngày đêm nỗ lực lặng thầm “gieo chữ” nơi đảo xa.
Thầy và trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa cùng các đại biểu trong ngày khai giảng năm học mới
Cơ sở vật chất của 3 trường Tiểu học khá khang trang đầy đủ, không kém gì ở đất liền, được xây dựng kiên cố 2 tầng (gồm phòng học, phòng công vụ, phòng vui chơi và thư viện). Cũng như ở đất liền, lễ khai giảng năm học mới ở 3 trường Tiểu học huyện Trường Sa đều diễn ra vào ngày 5.9 hàng năm. Các trường đều được bộ đội Hải quân, các đơn vị đóng quân trên đảo và phụ huynh nhiệt tình tham gia làm công tác chuẩn bị như vệ sinh môi trường, sắp xếp bàn ghế, trang trí trường, lớp.
Thầy Bành Hữu Tình, Trường Tiểu học Trường Sa tâm sự: Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy đảo và UBND thị trấn, của các đơn vị đóng quân trên đảo. Chẳng thế mà số lượng học sinh rất ít, ngày khai giảng mọi người thường nói vui là đại biểu và số phụ huynh đến dự còn nhiều hơn số học trò.
Khác với đất liền, việc dạy học ở đảo Trường Sa có đặc thù riêng. Mỗi lớp học đều rất đặc biệt là trò ít, lớp nhiều bởi độ tuổi khác nhau: Từ mầm non đến cấp tiểu học. Có 2 thầy, mỗi thầy giáo phụ trách một cấp học và dạy tất cả các môn nên lớp học phải bố trí theo hình thức lớp ghép, học ghép.
Để có những bài giảng ở các lớp ghép, việc soạn giáo án của các thầy giáo cũng không hề đơn giản bởi đồng thời phải soạn bài cho các hệ lớp khác nhau. Trong khi nguồn sách tham khảo ít, ấy là chưa kể mạng internet kém nên khó truy cập tài liệu bổ sung. Đồ dùng, trang thiết học tập, sách vở mau hư hỏng vì độ nhiễm mặn cao. Việc phân chia thời gian sao cho hợp lý trong một buổi học ở lớp ghép cũng phải tính toán kỹ lưỡng.
Một giờ học ở Trường Tiểu học Sinh Tồn
Được “mục sở thị” buổi lên lớp của 2 thầy ở đảo Song Tử Tây, mới thấy việc “gieo chữ” không hề đơn giản: Hết giảng Toán cho bạn này rồi lại quay sang hướng dẫn bạn khác tô màu, sau đó cho một bạn nữa tập đọc. Có lúc đang dạy các anh chị lớn thì các bé mẫu giáo lại khóc hoặc vệ sinh ra quần, thầy giáo lại phải dỗ dành, hoặc đi lau rửa, thay đồ cho các bé. 2 thầy tâm sự: Vừa làm thầy kiêm luôn cả làm bảo mẫu, những ngày đầu thấy mệt, nản, sau quen dần, giờ lại thấy vui. 2 thầy còn tổ chức cho các cháu múa hát, dạy vẽ, tô mầu… cực kỳ khéo léo. Từ những vỏ ốc biển, chai nhựa, quả bàng vuông trên đảo, 2 thầy đã cùng với phụ huynh sáng tạo ra nhiều đồ chơi hữu ích cho các cháu.
Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc, cho biết: Tuy học ghép nhưng may mắn là các em nhỏ học theo anh chị lớn nên chăm ngoan, tiếp thu bài nhanh. Học trò lớp lớn cũng có thể cùng thầy giáo hướng dẫn các em nhỏ. Do ít học sinh, các thầy có điều kiện chăm lo cho các em nhiều hơn.
Nơi đảo xa rất khắc nghiệt cả về tinh thần lẫn vật chất, bù lại, học trò được học nhiều về kỹ năng sống ở môi trường biển đảo. Các em rất thông minh, ham học, thuộc rất nhiều bài hát, bài thơ về Đảng, Bác Hồ, quê hương và Trường Sa. Năm học 2022- 2023 này ở đảo Sinh Tồn, các em học sinh lớp 4, 5 còn được thầy Nguyễn Công Qua dạy Tiếng Anh và Tin học.
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây, cho biết: Thầy và trò Trường Tiểu học của xã luôn phát huy tốt tinh thần trách nhiệm trong dạy và học. Giáo viên tận tình, duy trì và chấp hành nghiêm thời gian chương trình nội dung, kế hoạch giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc tiếp thu bài giảng trên lớp nhanh và tự giác ôn bài ở nhà của các cháu học sinh luôn bảo đảm tốt, do vậy các năm học các cháu đều đạt học sinh khá, giỏi và hạnh kiểm tốt.
Niềm vui nhất của các thầy ngày 20.11 là học trò rất ngoan, chăm chỉ học hành. Đến các đảo, chúng tôi được nghe nhiều chuyện về tình cảm của những người nơi đây dành cho các thầy cô giáo. Thiếu tình cảm đất liền, song thày và trò ở huyện đảo Trường Sa luôn nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của chính quyền xã, thị trấn đảo, của quân và dân trên đảo, đặc biệt là các phụ huynh, đã tạo thêm động lực cho các thầy yên tâm cống hiến, yêu nghề, mến trẻ hơn.
“Tôi vô cùng an tâm và cảm kích trước sự nhiệt tình, thân thiện của các cán bộ, chiên sỹ làm nhiệm vụ trên đảo, của ngững người dân và học trò. Chính vì vậy, trong quá trình dạy học, chúng tôi luôn tự nhắc nhở mình phải cố gắng thật nhiều mang con chữ, kiến thức đến với các em nơi biển đảo xa xôi này”. Đó là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Công Qua, Trường Tiểu học Sinh Tồn.
Theo thầy Phạm Xuân Diệu, Trường Tiểu học xã Sinh Tồn: Xa đất liền, hàng ngày được gần gũi, trò chuyện với các em và bộ đội, bà con trên đảo nên chúng tôi cũng phần nào nguôi đi nỗi nhớ gia đình và người thân.
Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa chia sẻ, mỗi lần đi ngang lớp học, nghe tiếng trẻ học bài, họ như có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở đảo, thường xuyên tiếp xúc với những người lính biển, giờ đây các thầy giáo đã quen với nếp sống, tác phong làm việc như người lính.
Chia tay Trường Sa, tôi nhớ mãi lời tâm sự của thầy Nguyễn Hữu Phú: Với sự nhiết huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề mến trẻ thì mọi khó khăn gian khổ cũng sẽ vượt qua được hết. Tôi tin rằng chúng tôi - những thầy giáo đang dạy học ở Trường Sa sẽ hoàn thành tốt nhiệm được giao.
Bài, ảnh: Phương Hoa - Nguyễn Ninh
Ý kiến bạn đọc