Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Quản lý thị trường đã quyết liệt đấu tranh triệt xóa một số cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng mặt hàng này vẫn len lỏi mọi cách tinh vi vào thị trường, đặc biệt là khu vực nông thôn. Do đó, để phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hà Giang và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp cụ thể với chế tài xử phạt mạnh hơn để có tính răn đe, ngăn chặn tình trạng này.
Tăng cường giải pháp xử lý hàng nhái, hàng giả
Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng kém chất lượng |
Thời gian qua, mặc dù, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng kém chất lượng, nhưng tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến hết sức tinh vi và phức tạp; các đối tượng vẫn đang hằng ngày, hàng giờ tìm cách để tuồn hàng giả vào thị trường, đặc biệt là tại chợ phiên ở vùng nông thôn để qua mắt lực lượng chức năng. Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2023, các đội nghiệp vụ đã phối hợp kiểm tra 98 vụ, số vụ xử lý vi phạm hành chính là 88 vụ với 99 hành vi; chủ yếu là vi phạm liên quan đến hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhập lậu. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước là trên 223 triệu đồng.
Đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ cần đến sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội |
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thì bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp theo kiểu truyền thống, thì hiện nay với sự phát triển của nền kinh tế số, hàng giả, hàng lậu được bán khá nhiều qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, chế tài xử lý vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay giường như vẫn còn nhẹ, trong khi lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng này lớn, một số đối tượng vẫn tái phạm nhiều lần. Do vậy, để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục giữa các cơ quan quản lý nhà nước đi đôi với các chế tài xử phạt đủ mạnh để có tính răn đe, ngăn chặn.
Hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, hình ảnh cũng như uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nhân dân. Do đó, đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ cần đến sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, đặc biệt là siết chặt các chế tài xử lý vi phạm để bảo vệ cái quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng./.
Văn Hương
Ý kiến bạn đọc