Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Đại biểu của dân ghi nhớ lời Bác Hồ phải "xứng đáng với đồng bào"

20:03, 18/05/2021

Ngày 23/5/2021 cử tri cả nước hân hoan đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp. Đây là ngày vui, ngày hội lớn của dân tộc, ngày mà toàn dân thực thi quyền dân chủ để bầu ra những người đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, của từng địa phương.

 Bác Hồ bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960

Sau khi giành được độc lập, đất nước đứng trước tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”, thế mà trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiệm vụ phải “tiến hành tuyển cử để dân bầu ra Quốc hội”. Điều đặc biệt và rất mới là vào thời điểm đó Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội là ai, họ chính là những người được dân bầu ra, thay mặt dân để bảo vệ lợi ích cho nhân dân”. Hiến pháp năm 1946 do Quốc hội thông qua đã quy định rất rõ quyền lực của Nhà nước gồm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước của nước Việt Nam là Nhà nước của dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy những người được dân bầu vào Quốc hội vào HĐND phải có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước. Họ là đại biểu của dân để thực thi quyền lực Nhà nước, Hồ Chí Minh nói: “Nếu bản thân họ không làm trọn sự ủy thác của nhân dân thì sẽ bị bãi miễn”.

Nhân dân thực hiện quyền lực của mình trước tiên chính là ở khâu lựa chọn bầu ra và kiểm soát quyền lực đại biểu. Hồ Chí Minh nói: “Đại biểu Quốc hội được cử tri bầu ra không phải để làm quan, không phải để ăn trên ngồi trốc mà là người đầy tớ thật trung thành với đồng bào”. Muốn làm được điều đó các đại biểu được dân bầu phải thực sự gắn kết máu thịt với nhân dân, thường xuyên gần gũi tiếp xúc, nghe ngóng tâm sự nguyện vọng và ý kiến của dân để phản ánh với Quốc hội, HĐND và các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước.

Bác Hồ tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 27/4/1969. Năm cuối cùng Bác bầu cử trước khi qua đời

Hiến pháp nêu rõ Nhà nước pháp quyền XHCN phải thực hành dân chủ, giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế. Quyền lực Nhà nước không thuộc về bộ máy Nhà nước hay bộ phận cán bộ có chức có quyền mà thuộc về nhân dân. Các đại biểu của dân, đại diện cho dân phải luôn đặt trên vai mình đầy đủ trách nhiệm được dân ủy thác để giám sát mọi hoạt động của Nhà nước. Bởi thế dân phải sáng suốt để bầu ra, để ủy thác cho những người có phẩm chất và năng lực thực sự; những người luôn gương mẫu đi đầu, luôn vì dân để phục vụ, những người biết học hỏi để nâng cao trình độ các mặt, nhất là nắm vững pháp luật, chủ trương đường lối của Đảng, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng chính đáng của dân, thực sự vì dân không phô trương, khoe khoang, tham ô, vụ lợi… như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các đại biểu Quốc hội hãy vì lợi nước quên nhà, vì lợi ích chung quên lợi ích riêng, phải làm cho xứng đáng với đồng bào”.

Trong công cuộc đổi mới, với cơ chế thị trường định hướng XHCN, sự phát triển của khoa học công nghệ và trước tình hình của thời cuộc hiện nay, vai trò của những người được dân tin giao cho trọng trách là hết sức quan trọng. Xem đây là nguồn nhân lực đặc biệt của dân, của đất nước. Những đại biểu Quốc hội, HĐND được dân tín nhiệm bầu ra là danh dự là tự hào không chỉ của cá nhân mà là của tập thể, của cộng đồng, rộng hơn là của đất nước của nhân dân. Những giá trị cá nhân của đại biểu không chỉ của riêng họ mà còn gắn liền với đạo đức xã hội, hàm chứa yếu tố liêm sỉ mà các đại biểu phải nhận biết, phải giữ gìn, phải phấn đấu.

Người đại biểu của dân phải luôn giữ lấy liêm sỉ. Họ đứng thẳng, không cúi đầu, khom lưng, xu nịnh; họ “không nói một đàng làm một nẻo”; “không hứa hươu, hứa vượn với dân”; họ không quỳ gối trong giao tiếp, trong thực thi phần hành, công vụ; họ không tham nhũng, lãng phí, vụ lợi; không quan liêu, hách dịch, vô cảm; không làm điều sai trái bất nhân… Vì danh dự mà dân giao phó, họ đàng hoàng sống theo luật pháp; nghiêm túc, liêm chính, thẳng thắn góp ý, tranh luận, chất vấn; khẳng định cá nhân mình với tư cách là người đại biểu của dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết.

Như vậy người được nhân dân chọn lựa bầu ra làm đại biểu của dân luôn phải nghĩ đến danh dự của mình. Có thể nói đó vừa là của chính họ, đồng thời là của cộng đồng, rộng hơn là của nhân dân. Hình ảnh, vị thế, danh dự của một tập thể mà cụ thể là của Quốc hội, của HĐND được thể hiện ở tầm vóc, thế đứng, phẩm chất đạo đức và uy tín của mỗi đại biểu. Đó là một phần rất quan trọng để xã hội, nhân dân thẩm nhận vai trò của người đại biểu do mình bầu ra và cũng chính là đóng góp của đại biểu được dân ủy quyền. Vì thế thể diện, tư cách, năng lực, phẩm chất chính trị của đại biểu Quốc hội, HĐND là yếu tố cơ bản, một nhân tố chủ thể làm nên giá trị, uy tín và vai trò của Quốc hội, HĐND các cấp. Các đại biểu luôn nhớ rằng thể diện cá nhân, tư cách của mình là thuộc về cơ quan quyền lực của dân, đó là Quốc hội, HĐND cho nên cần phấn đấu rèn luyện để xứng đáng là người đại diện là người tiêu biểu, để khẳng định và góp phần vào làm phong phú và nâng cao vị thế cơ quan quyền lực của dân.

Đại hội XIII của Đảng đã nêu lên nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; trong đó rất nhấn mạnh đến năng lực và phẩm chất đạo đức cán bộ. Đảng cũng đã bầu ra và giao phó chức quyền cho đội ngũ cán bộ mới. Trong hệ thống chính trị họ phần lớn được giao quyền tham gia, hoặc đứng đầu các tổ chức, trong đó có Quốc hội và HĐND các cấp. Vì thế một cách hiển nhiên, các đại biểu Quốc hội, HĐND không chỉ là người đại diện cho dân mà còn là người của Đảng cử ra để tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, của địa phương. Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, không ngừng nâng cao uy tín, vai trò lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng, thì những cán bộ được Đảng giao quyền (dù là đảng viên hay không phải đảng viên) phải phấn đấu rèn luyện để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và của dân, phải thực hiện lời Bác Hồ dặn luôn phải “giữ lấy tư cách người cán bộ”. Tư cách bao trùm ở người đại biểu của dân, của Đảng là phải đặt mình vào vị thế “đầy tớ”, luôn giữ được thể diện, liêm sỉ chứ không phải ta đây “là những ông vua con”.

Quán triệt NQ XIII của Đảng về kiện toàn bộ máy lãnh đạo, toàn dân ta tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp cần khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bầu được những đại biểu, thực sự của dân, đại diện cho dân vào cơ quan mà ở đó: “bao nhiêu lợi ích đều của dân, bao nhiêu quyền lợi đều của dân”; những đại biểu được dân tin bầu làm đại biểu thì “dù là Chính phủ hay là cán bộ cũng phải là đầy tớ”. Điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận biết và căn dặn, trong quá trình phát triển của cách mạng dù ở thời điểm nào, dù với vị thế gì, dù có sự kiểm soát quyền lực đến đâu, điều quan trọng bậc nhất để thực thi được dân chủ thì cũng cốt ở đội ngũ cán bộ, “cốt ở những đại biểu của dân”. Họ là cái gốc của cách mạng là nhân tài của đất nước, là niềm tin của dân, được dân và Đảng giao cho sứ mệnh đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng theo mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra.

TS Đặng Duy Báu


Ý kiến bạn đọc