Một trong những quan điểm mang tính chỉ đạo xuyên suốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”. Việc làm rõ nội dung, mối quan hệ giữa các nhiệm vụ trên và vận dụng phù hợp với thực tiễn triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ giúp đội ngũ tham gia lĩnh vực này xây dựng nội dung, phương pháp và cách thức xử lý hiệu quả mọi tình huống bất ngờ nảy sinh.
"Gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", xây là cơ bản, chống phải quyết liệt hiệu quả" là một quan điểm chỉ đạo quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22.10.2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đây cũng chính là phương châm cơ bản trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ lý tưởng của Đảng nói riêng. “Xây” được xem là giải pháp tập trung vào bên trong chủ thể còn “chống" là sự hướng vào việc ngăn chặn những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Kết hợp "xây" và "chống" có nhiều cách hiểu khác nhau, tuy nhiên trong phạm vi công tác xây dựng Đảng, “xây” có thể hiểu là toàn bộ những phương thức, biện pháp tiếp tục phát huy những giá trị đã có, những ưu thế đang tồn tại để hướng tới mục tiêu củng cố tổ chức Đảng ngày càng ổn định, vững mạnh và phát triển; còn với “chống” là toàn bộ phương thức, cách làm để ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, bẻ gãy và làm thất bại mọi hoạt động làm phương hại đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Có thể nói, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch hiện nay đang ngày càng khó khăn hơn trước. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đang tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá, kích động; triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội và các hãng truyền thông lề trái RFA, VOA, BBC… liên tục phát tán, đăng tải tin, bài, video clip xấu độc, bôi nhọ, nói xấu, kích động chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng đặc biệt lợi dụng các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước để chèo lái dư luận, phá hoại; đặc biệt những sự kiện trọng đại của đất nước như dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua… Mặt khác, công tác "xây" dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay còn có một số vấn đề như sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng trước vi phạm, khuyết điểm còn thấp, tinh thần tự phê và phê bình của bộ phận đảng viên còn chưa cao, thậm chí còn "bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khổ, ngại khó, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", tự chuyển hóa". Trong khi đó, việc phòng chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế và "tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta".
Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là vừa phải ngăn chặn, xử lý, làm thất bại mọi hoạt động phát tán thông tin giả, xấu độc, xuyên tạc, vừa phải tuyên truyền, xây dựng hình ảnh, tấm gương tích cực có sức lan tỏa, lay động quần chúng; vừa đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong nội bộ lại vừa củng cố được lập trường, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; vừa bảo vệ được tính khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa tiếp tục bổ sung, phát triển hệ thống lý luận CNXH trong giai đoạn tới, đó chính là sự kết hợp hiệu quả giữa "xây" và "chống". Hơn nữa, mệnh đề cơ bản trong Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22.10.2018 của Bộ Chính trị là "bảo vệ" và "đấu tranh" đã thể hiện rất rõ nội dung "xây" tức là "bảo vệ" và "chống" chính là "đấu tranh"; mọi nhiệm vụ, giải pháp được triển khai trong thực tiễn đều tuân thủ quan điểm xuyên suốt đó. Vì vậy, nếu không vận dụng đúng và đẩy đủ mối quan hệ này thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ chưa đảm bảo tính toàn diện và bền vững.
Nguyên lý vận động của mọi sự vật hiện tượng luôn bao gồm sự kế thừa những yếu tố tiến bộ và loại bỏ yếu tố cũ, không phù hợp; hai quá trình này luôn tác động qua lại lẫn nhau, cùng hướng đến mục tiêu làm mới sự vật hiện tượng. Trong quá trình bảo vệ lý luận của Đảng, việc đảm bảo nguyên tắc gắn kết giữa "xây" và "chống" là sự tuân thủ nguyên lý vận động, phát triển đúng đắn của vạn vật. Đó là hai mặt của một vấn đề, “xây” để “chống” hiệu quả hơn, ngược lại “chống” để “xây” ổn định và vững chắc hơn.
Trước đây, Đảng ta chủ trương tập trung nhiều vào nhiệm vụ “chống âm mưu diễn biến hòa bình” với đối tượng hướng tới là thế lực thù địch bên ngoài, Nghị quyết số 35-NQ/TW đặt ra mối quan hệ “bảo vệ” và "đấu tranh" thì nội dung "chống" không chỉ diễn ra bên ngoài mà cả ở bên trong. Có nghĩa, bảo vệ Đảng trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời bảo vệ lý tưởng của Đảng trước những thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của bộ phận cán bộ, đảng viên… cho nên nhiệm vụ "đấu tranh" hay “chống” không chỉ diễn ra bên ngoài mà còn diễn ra ở bên trong, đó là “đấu tranh tự thân” của Đảng trước những khuyết điểm, hạn chế đang tồn tại.
Do đó, cặp quan hệ "bảo vệ" và "đấu tranh", “chống” và “xây” có đối tượng hướng tới khác nhau, nhưng đều chung một mục đích cần đạt; “xây” và “chống” không phải là sự tách biệt, đối lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động, hỗ trợ lẫn nhau. "Chống" để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vững chắc hơn, "xây" để Đảng mạnh hơn, chắc chắn, vững vàng trước mọi sự xuyên tạc, phá hoại của các phần tử bất mãn, cơ hội, tiêu cực. Nếu “xây” không tốt, đảng viên không vững vàng, tổ chức Đảng lỏng lẻo thì khó có thể ngăn chặn được sự chống phá ngày càng dữ dội của các thế lực thù địch. Ngược lại, nếu ngăn chặn được những biểu hiện suy thoái, tư tưởng bè phái, cục bộ, biểu hiện sa sút ý chí cách mạng của đảng viên biến chất, đồng thời đấu tranh, ngăn chặn, đập tan mọi luận điệu hèn hạ, hoạt động gây rối, kích động của các phần tử bất mãn, phản động thì sẽ làm cho công tác “xây” dựng Đảng vững vàng hơn, làm cho tính chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
Mặt khác, quá trình "chống" suy thoái, "tự diễn biến, tự chuyển hóa", chống phai nhạt lý tưởng, bè phái trong Đảng thực chất là bộ phận của hoạt động "xây" vì muốn xây dựng Đảng mạnh bắt buộc phải ngăn chặn, đẩy lùi được các biểu hiện đó, cho nên "chống" là quá trình bắt buộc để "xây" hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu bồi dưỡng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng; triệt để thực hiện tự phê bình và phê bình, khơi dậy tinh thần nêu gương của cán bộ đảng viên ngày một lan tỏa hơn thì những biểu hiện tiêu cực, suy thoái sẽ giảm, đồng nghĩa với việc "đấu tranh" ở bên trong sẽ thuận lợi hơn. Vì vậy, "xây" và "chống"; "đấu tranh" và "bảo vệ" không đối lập, không phủ định nhau mà tác động, tương hỗ, ảnh hưởng lẫn nhau. Vì vậy, nhận thức đẩy đủ và khai thác hiệu quả mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định đến thành công của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch hiện nay.
Từ quá trình thực tiễn, chúng tôi xin được phép nêu lên một số giải pháp vận dụng hiệu quả quan điểm kết hợp “xây” và “chống”; "bảo vệ" và "đấu tranh" hiện nay. Thứ nhất, cần quán triệt tinh thần “xây” là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, lâu dài và “chống” là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Nhiệm vụ “xây” theo Nghị quyết số 35-NQ/TW bao gồm quá trình “bảo vệ” tính đúng đắn, khoa học và giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác –Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; “bảo vệ” sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, sự trong sạch, vững mạnh của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; “bảo vệ” giá trị đạo đức, văn minh của Đảng; bảo vệ lý luận phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH... Đồng thời “chống” biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng; “ngăn chặn” các biểu hiện “hoài nghi, mơ hồ, hoang mang, dao động, mất niềm tin về mục tiêu, lý tưởng của Đảng”. Nhiệm vụ "xây" là yếu tố quyết định trong công tác bảo vệ nền tảng của Đảng, nếu "xây" không vững chắc thì sẽ hạn chế khả năng "chống" lại sự tấn công của các thế lực thù địch như ý kiến phát biểu của Thường trực Ban Bí thư khóa XII, Trần Quốc Vượng tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai niệm vụ năm 2020 rằng "nếu làm không tốt công tác cán bộ, chúng ta sẽ tự lật đổ chứ không phải do kẻ thù".
Mặt khác, việc làm rõ tính khoa học, thời đại của chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là trọng tâm, xuyên suốt, bởi đây là tư tưởng nền móng cho sự lãnh đạo của Đảng và con đường xây dựng đất nước; việc chứng minh làm rõ vấn đề này chính là "trụ cột" để giải quyết các vấn đề khác. Do vậy, mỗi tổ chức đảng và đảng viên cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, liên tục và kiểm nghiệm, chứng minh bằng thực tiễn phát triển của đất nước.
Thực tiễn hiện nay, các phần tử bất mãn, tiêu cực, thiếu thiện chí đang gia tăng chống phá chủ nghĩa Mác – Lê nin, chúng cho rằng chủ nghĩa Mác – Lê nin đã lỗi thời và CNXH không có thực… Trong khi đó, nước ta đang trong giai đoạn quá độ lên CNXH, có nhiều vấn đề lý luận mới cần được làm rõ, bổ sung và phát triển cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì vậy, việc chỉ rõ tính khoa học, tính thời đại của con đường đi lên CNXH; tính sáng tạo, phù hợp của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam đối với cách mạng nước ta cần phải có thời gian dài, không thể nóng vội. Việc giải quyết được các vấn đề này sẽ giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu rõ con đường mà Đảng đã chọn, tin tưởng, đồng lòng thực hiện các mục tiêu xây dựng đất nước trong giai đoạn tới, đồng thời tạo ra sức đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, kích động của kẻ thù.
Song song với việc xác định nhiệm vụ trọng tâm, "chống" phải được triển khai thường xuyên, liên tục, bởi các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu chống phá, xuyên tạc về lý tưởng của Đảng, chúng đang không ngừng tấn công Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tham vọng chuyển hóa cách mạng nước ta. Vì vậy không được chủ quan, lơ là nhiệm vụ “chống” âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù và phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục, không ngừng.
Thứ hai, xác định nội dung "xây" phải toàn diện, "chống" cần chọn lọc, thận trọng
Tính toàn diện trong "xây" được hiểu là công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được diễn ra trên cả mặt trận lý luận và hoạt động thực tiễn; bao gồm quá trình “xây dựng” và "đấu tranh" với những hạn chế, khuyết điểm trong nội bộ. Thực tiễn trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng đã “xây” một cách toàn diện ở tất cả các lĩnh vực; trong đó tiếp tục kiên định và không ngừng phát triển học thuyết Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên; đồng thời sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thi hành kỷ luật trong Đảng, xử lý nghiêm minh những đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa… với “2.209 đảng viên bị thi hành kỷ luật liên quan đến tham nhũng, trong đó có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; đưa ra xét xử 126 vụ án”. Với những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, giúp Đảng Cộng sản Việt Nam củng cố niềm tin của nhân dân và đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, kích động của kẻ thù.
Mặt khác, việc "chống" các quan điểm sai trái, tư tưởng lệch lạc, thiếu hiểu biết… cũng như các hoạt động phá hoại, kích động, gây rối của các thế lực thù địch, phản động cần phải phân loại đối tượng, chọn lọc để có đối sách phù hợp; "đấu tranh", phân loại đi đôi với thuyết phục, cảm hóa. Việc “quy kết” những người bất đồng chính kiến, thiếu thiện chí, nhận thức chưa đúng thành "các thế lực thù địch, phản động" sẽ đẩy họ thành kẻ thù thực sự, đồng nghĩa với việc làm cho lực lượng thù địch ngày càng đông đảo hơn.
Thực tiễn cho thấy, có nhiều cá nhân, "đảng viên từng có công" nhưng do nhận thức chưa đẩy đủ, có những phát biểu trái với đường lối của Đảng, chưa đúng với quy định của pháp luật nhưng họ không tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng mà bị liệt vào "phần tử phản động" thì chính là đẩy họ sang bên kia chiến tuyến, vô tình làm cho cuộc chiến ngăn chặn thông tin xấu, tiêu cực khó khăn hơn. Đồng thời, có nhiều quan điểm được bày tỏ chưa đúng, chưa phù hợp thì cần được đánh giá khách quan, bình tĩnh, tránh quy chụp, áp đặt… để "cảm hóa", đưa họ về hàng ngũ của ta. Do đó, chọn lọc đối tượng để có “đối sách” hợp lý trong đấu tranh cũng là yếu tố quan trọng trong việc làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, đưa tin sai trái hiện nay.
Thứ ba là, về mặt phương pháp cần quan triệt tinh thần "xây" phải đổi mới, "chống" phải linh hoạt. Đối mới là yêu cầu tất yếu trong xã hội tiến bộ và để đảm bảo quá trình vận động đi lên không ngừng của đất nước, Đảng Cộng sản Việt nam luôn phải đổi mới phương pháp lãnh đạo của mình, mà trước hết là đổi mới trong xây dựng Đảng, đó là: Việc đổi mới công tác tuyên truyền, chủ trương, đường lối của Đảng để nâng cao tính giáo dục, thuyết phục, tính chiến đấu trong Đảng để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần chủ trương chung, thống nhất ý chí hành động; đổi mới công tác nghiên cứu lý luận, nhất là vấn đề mới, phát sinh thực tiễn và còn có nhận thức khác nhau; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị theo hướng cải cách hành chính, tăng cường pháp quyền XHCN. Trong những hạn chế được Đại hội XIII nêu thì công tác ban hành văn bản của Đảng vẫn còn tình trạng chưa sát với thực tiễn, còn chung chung; việc quán triệt học tập còn nặng nề gây nên tâm lý ngại học lý luận của bộ phận đảng viên, đồng thời là cơ sở để các phần tử bất mãn, tiêu cực, cơ hội chủ nghĩa chống phá Đảng. Mặt khác, việc đổi mới về kinh tế đã trở nên sâu rộng, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, đòi hỏi Đảng cần đổi mới phương thức lãnh đạo của mình, việc “chậm đổi mới hành chính trong Đảng", không chỉ kìm hãm phát triển kinh tế mà còn là vấn đề mà các thế lực thù địch chống phá. Vì vậy, đổi mới là yêu cầu tất yếu trong công cuộc xây dựng Đảng hiện nay
Trong khi đó, các thế lực thù địch đang triển khai các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều hình thức khác nhau, trước đây chúng triệt để lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bộ phận nhân dân; xoáy sâu, tô đậm các vấn đề tôn giáo, dân tộc để chia rẽ, ly gián; kích động, thổi phồng những khiếm khuyết, hạn chế của Đảng để phá hoại thì nay chúng lại triệt để sử dụng internet và mạng xã hội để chống phá ta, trong thời gian qua chúng sử dụng hàng ngàn tài khoản mạng facebook, youtube, tiktok… để đăng tải các hình ảnh xuyên tạc, bịa đặt, vu khống Đảng và Nhà nước. Điều đó đặt ra cho việc phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch cần phải sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp đấu tranh, kết hợp giữa các biện pháp đấu tranh truyền thống với sử dụng công nghệ thông tin; từ viết truyền thống sang xây dựng dựng video clip hiện đại; kết hợp đấu tranh toàn dân, diện với đấu tranh về pháp lý quốc tế để ngăn chặn hiệu quả các thông tin xấu độc, xuyên tạc…
Tuy nhiên, để vận dụng hiệu quả các phương pháp đấu tranh đảm bảo tinh thần kết hợp "xây" và "chống" thì đổi mới cần thận trọng, từng bước, tránh chệch hướng, có lộ trình; việc chậm chễ trong đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành sẽ ảnh hưởng tiêu cực, toàn diện đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngược lại, linh hoạt, sáng tạo trong đấu tranh cần phải giữ được tính cách mạng, chân chính của người cộng sản, tránh sa đà rơi vào bẫy của phần tử phản động, thù địch.
Thứ tư đó là, quán triệt phương châm lấy "tích cực" đẩy lùi "tiêu cực". Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhận định: "Kết hợp giữa "xây" và "chống", lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái". Đây chính là phương châm xuyên suốt trong vấn đề "bảo vệ" nền tảng tư tưởng của Đảng "đấu tranh" phản bác các thông tin xấu độc hiện nay, bởi để "xây" hiệu quả cần lấy cái tích cực, cái hay, cái tiêu biểu là yếu tố thu hút cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, xua đi cái xấu, cái chưa được… làm đẹp thêm lý tưởng của Đảng và CNXH. Có thể nói, tư tưởng kết hợp giữa "xây và "chống" dù được triển khai ở những nhiệm vụ, nội dung, phương pháp khác nhau nhưng cuối cùng cũng để hiện thực hóa phương châm "lấy tích cực, đẩy lùi tiêu cực", lấy cái đẹp, dẹp cái xấu".
Trong những năm qua, việc đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, gắn với việc đấu tranh, ngăn chặn suy thoái đạo đức lối sống và các biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ; việc thực hiện nêu gương của người đứng đầu đã lan tỏa nhiều hình ảnh đẹp, tấm gương sáng của người đảng viên, đồng thời giúp cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bè phái, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đó là biểu hiện rõ nhất của việc "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu", đồng thời đặt ra trong quá trình "xây dựng" Đảng và "bảo vệ" nền tảng của Đảng cần triển khai nhuần nhuyễn hơn nữa phương châm này, chú trọng "bảo vệ cái đẹp", giữ gìn cái "tích cực", đưa lên thành biểu tượng mới, cụ thể về tính cách mạng, trong sáng của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng về CNXH.
Lương Hoàng Nghĩa (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc