Tuổi trẻ hăng hái, mạnh dạn và hình như chẳng sợ sai sót. Nhưng càng có tuổi thì khác đi, hầu hết người lớn đều sợ sai và đánh mất "khả năng không biết sợ”. Lại thêm dư luận thường nhè vào sai sót để phê phán. Ngay trong hệ thống giáo dục nếu thi trượt thì vẫn coi đó là sai sót tệ hại trong đời học sinh. Nhưng khi bước vào đời làm sao tránh sai sót được, có làm là có sai, thậm chí làm nhiều, làm khác biệt, càng sai nhiều. Cho nên giáo dục phải khuyến khích tính tự chủ, năng động, dám bộc lộ hoài bão không sợ sai của tuổi trẻ. Vì nếu được dạy, được nuôi dưỡng trong môi trường bằng mọi cách tránh sai lầm thì cũng đồng nghĩa là chừng mực nào đó đã được dạy, được hướng dẫn cách đánh mất khả năng sáng tạo. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã chủ trương không được gọi học sinh “thi trượt” mà gọi “thành công bị trì hoãn”, hay “thành công chưa đến”…
Bà Muler - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO ở Việt Nam, tại một hội thảo về “Quyền trẻ em” năm 2015 đã phát biểu: “Tuổi trẻ chưa bị vướng vào các thói quen, đầu óc còn cởi mở nên dễ tiếp thu, tìm tòi cái mới và sự đổi thay không ngại sai sót. Đa số người ta càng lớn tuổi, càng có địa vị thì càng muốn có vùng an toàn cho mình, họ e ngại khác biệt và không muốn thay đổi, bởi vậy sự thay đổi sẽ dễ dàng hơn ở tuổi trẻ”.
Muốn có được sự dám làm, dám sáng tạo thì phải có sức trẻ mạnh mẽ, hăng hái phấn đấu với động cơ và mục tiêu đặt ra. Những nhà cách mạng từ xưa đến nay đa phần khi bước vào sự nghiệp đều đang ở độ tuổi trẻ. Tuổi trẻ năng động sáng tạo nên có động lực lớn để tìm cách đổi thay và làm cách mạng. Sự sáng tạo, đổi thay sẽ tìm ra cái mới, nhưng cũng đi cùng với sự trả giá, thậm chí bị sai lầm. Mà thường người mắc sai sai lầm thì bị định kiến, không được trọng dụng. Đây là vấn đề lớn đang đặt ra, mà trước tiên là cho tuổi trẻ. Thế hệ trẻ là thế hệ dám dấn thân làm cách mạng, chiến đấu, hy sinh quên mình vì lý tưởng cao đẹp mang đến chiến công và giành thắng lợi.
Đặc trưng của sức trẻ, tuổi trẻ là luôn sáng tạo, tìm tòi để làm sao đạt được mục tiêu, là hành động để tiến lên phía trước. Nếu vì sức ép nào đó, buộc phải thực hiện những điều cho là an toàn, tạo nên áp lực làm mất tính tự chủ sáng tạo, sợ đổi thay thì làm sao cái mới ra đời được và đó cũng là đánh mất tiềm năng, thế mạnh và động lực của tuổi trẻ. Có thể nói tâm lý cầu an sống tròn, không muốn đụng độ, “dĩ hòa vi quý”, “sớm vác ô đi tối vác ô về”… hiện nay đang phổ biến đó chính là cản trở rất lớn cho sự sáng tạo, đổi mới, tìm tòi để phát triển của sức trẻ. Trong việc rèn luyện phấn đấu của tuổi trẻ cần tránh xu hướng cầu an, chọn cách đi an toàn hoặc chạy chọt để nhằm danh vọng, có địa vị, chức quyền, bằng cấp… không thực chất, mà cần chuẩn bị tư thế sẵn sàng dấn thân, mạnh dạn hành động theo năng lực, sở trường và ham muốn để lập thân, lập nghiệp; từng bước tìm kiếm, bứt phá để trưởng thành trên con đường phấn đấu. Thắng không kiêu bại không nản, kịp thời rút ra bài học, xem sai lầm là thử thách của nghị lực, “thất bại là mẹ thành công”, tiếp tục đứng lên tìm tòi, sáng tạo hướng tới mục tiêu đã vạch ra.
Có một thực tế là người mắc sai lầm thường không được trọng dụng. Nhưng nếu biết trọng dụng những người đã mắc sai lầm thì đó mới thật là trọng dụng. Bởi sai lầm là ở thời điểm và địa điểm cụ thể; có thể lúc này sai và ở nơi này, việc này sai nhưng đến thời điểm khác, lúc khác, nơi khác chưa hẳn đã sai mà có khi đó lại là kết quả của sáng tạo phù hợp. Có giám đốc một tập đoàn kinh tế khi lập nghiệp mới học hết phổ thông, ở tuổi 20, cứ vượt qua hết trở ngại này đến sai lầm khác, nay đã trở thành doanh nhân thành đạt bậc nhất của một tỉnh…
Chính nhờ có tư duy sáng tạo, có sức trẻ dám làm, dám chịu trách nhiệm với động cơ tìm cái mới để phát triển nên mới có những người như thế. Có biết bao tấm gương trong quá trình phát triển của từng cơ quan, đơn vị, của quê hương, đất nước là những điển hình tiên tiến, những gương hy sinh, có những đóng góp to lớn mà trong quá trình rèn luyện phấn đấu không khỏi phạm sai lầm, thiếu sót. Để động viên tuổi trẻ và sức trẻ đổi mới, sáng tạo cần kịp thời nắm bắt, phát hiện, đánh giá đầy đủ khi cái mới ra đời, kể cả có những sai sót.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 nhấn mạnh: Khi cán bộ thực hiện thí điểm cái mới, trong quá trình công tác mà không đạt hoặc chưa đạt yêu cầu mục tiêu đề ra, thậm chí gặp rủi ro, xảy ra thất bại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân, đánh giá thật công tâm để xem xét, xử lý phù hợp. Nếu có động cơ trong sáng, có tư duy sáng tạo vì công việc, vì lợi ích chung, không vụ lợi thì phải được xem xét đánh giá đúng thực chất. Muốn sáng tạo phát triển thì cũng cần phải có cơ chế, chính sách để phát huy những việc làm mới, động viên và trọng dụng những người dám nghĩ, dám làm; đồng thời không thể sử dụng loại người chỉ biết nhẫn nhục, tròn trịa, sợ trách nhiệm, sợ thay đổi mà lo cầu an. Đó là điều hết sức lưu ý khi nhận xét đánh giá cán bộ. Có thể nói đây là một chủ trương rất hợp thời trước sự phát triển đa dạng hiện nay, trong thời đại mà mọi sự biến động đều phải nhanh chóng tìm được sự thích ứng. Có những cái mới ra đời đã làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của từng người đến toàn xã hội, nên cần phải xem không có gì là tĩnh, là khuôn mẫu cả. Điều quan trọng là cần có tư duy ủng hộ, phản biện kịp thời trước sự thay đổi; đón nhận sự đổi mới và sáng tạo không loại trừ có thể gặp khó khăn trở ngại và có sai sót. Hãy tôn trọng những tấm gương dám tìm kiếm sự thay đổi trong thực tiễn và tỉnh táo để nhìn nhận ra những điều cốt lõi, sự đúng đắn, cùng với việc kịp thời, bình tĩnh rút kinh nghiệm nếu có sai lầm, nhằm phát huy sáng tạo, tôn trọng cái mới ra đời từ động lực của sức trẻ và tuổi trẻ trong quá trình phấn đấu hướng tới mục tiêu tốt đẹp thực hiện sự nghiệp đổi mới của đất nước.
TS. Đặng Duy Báu
Ý kiến bạn đọc