Kỳ I: Bước kiến tạo khởi đầu
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã và đang quyết tâm vượt qua khó khăn, biến “bất lợi” của địa hình, địa lý thành “lợi thế” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương.
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cập đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đây là điểm mới và điểm nhấn quan trọng nhằm tạo động lực mạnh mẽ, sức mạnh to lớn để phát triển đất nước. Đối với huyện vùng cao biên giới Đồng Văn, với quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện khát vọng phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo; đến năm 2045 là huyện phát triển trung bình khá của tỉnh”.
Một góc thị trấn Đồng Văn hôm nay |
Để đạt mục tiêu trên, Đồng Văn đã không ngừng nỗ lực, phấu đấu, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh. Kết quả đã cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Diện mạo cơ sở hạ tầng giao thông, công trình công cộng và đời sống vùng cao biên giới tại các xã, thôn, bản của Đồng Văn đã đang thay đổi từng ngày, từng giờ.
Nói đến Đồng Văn, trước kia trong ấn tượng của nhiều người là nói đến vùng đất chỉ có đá, từng dãy núi đá hiên ngang với đủ màu sắc, hình thái cứ như những mũi giáo vút lên trời cao. Sự sừng sững hiên ngang đó như thể hiện những tấm lòng sắt son của đồng bào dân tộc nơi mảnh đất “phên dậu” phía Bắc của Tổ quốc.
Đã từng có câu nói về sự khó khăn, nhọc nhằn của mảnh đất chỉ có đá và đá này, “sống trên đá, chết vùi trong đá” như là một định mệnh của người dân nơi đây. Nhưng giờ đây những “bất lợi” về địa hình đó đã trở thành “lợi thế” trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Văn.
Ngày nay không những chỉ có du khách bất ngờ khi đến với cao nguyên đá Đồng Văn mà ngay cả người dân bản địa cũng thấy bất ngờ trước sự thay da, đổi thịt nhanh chóng ở vùng cực bắc của Tổ quốc.
Đến nay, huyện vùng cao Đồng Văn không còn xa xôi, không còn heo hút như trước đây. Bởi trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước về mọi mặt, cùng với sự nỗ lực, tìm tòi, vượt khó đi lên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn, kinh tế - xã hội đã có sự phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được quan tâm; nói đến cao nguyên đá Đồng Văn đã trở nên quen thuộc hơn với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tác giả bài viết bên cánh đồng hoa Tam giác mạch |
Tại Lễ kỷ niệm 130 năm tỉnh Hà Giang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu: “Không có trái ngọt nào mà không phải ươm trồng, không có thành quả nào mà không phải nỗ lực, phấn đấu, hy sinh. Lịch sử 130 năm tỉnh Hà Giang đã tô vẽ thêm tinh thần yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đó là minh chứng cho ý chí sắt đá của những người con sống nghìn đời trên Cao nguyên đá Hà Giang (Đồng Văn) - một kiến tạo địa chất đặc biệt của đất mẹ”.
Điều đó đã khẳng định quá trình chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương tỉnh Hà Giang nói chung và huyện biên giới Đồng Văn nói riêng. Qua những năm tháng lịch sử đầy vẻ vang và tự hào đó, Đảng bộ Đồng Văn đã có bước trưởng thành, được nhân dân các dân tộc tin yêu gắn bó, bản lĩnh chính trị vững vàng, sự đoàn kết và truyền thống yêu nước tiếp tục được kế thừa và phát huy, tiếp tục khơi dậy những khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng quê hương trên cao nguyên đá phồn vinh, hạnh phúc …
Rau chuyên canh ở xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn |
Ngay từ buổi đầu dựng nước, vùng đất Đồng Văn đã thường xuyên là địa bàn diễn ra chiến sự ác liệt, chống các thế lực phản động và ngoại bang xâm lược. Thái úy Lý Thường Kiệt sau khi đánh bại quân xâm lược nhà Tống vào cuối thể kỷ XI, ông đã hội quân trấn ải biên thủy và đã cho treo một lá cờ tại vị trí Cột cờ Quốc gia Lũng Cú ngày nay để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ.
Đến thế kỷ thứ XVIII, sau khi đại thắng quân Thanh, Vua Quang Trung cho đặt một chiếc trống đồng ở trạm gác tột cùng vùng biên ải Lũng Cú này để nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, đồng thời làm hiệu lệnh xuất binh.
Rồi đến cuộc đấu tranh vũ trang của thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng, nghĩa quân đã lấy núi Tù Sán (Đồng Văn) làm căn cứ để chống thực dân Pháp. Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu năm 1911 đến tháng 3/1911 đã tập hợp được hàng ngàn người, trong đó có gần 200 tay súng. Cuộc khởi nghĩa đã làm cho quan binh thực dân Pháp đã nhiều lần phải điêu đứng bởi liên tục bị các toán quân khởi nghĩa do thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng chỉ huy tập kích. Cuộc khởi nghĩa đã tô thắm thêm truyền thống dũng cảm quật cường và tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc Đồng Văn.
Ngày 03/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở Đồng Văn phong trào Việt Minh được gây dựng và phát triển rộng khắp, từ đội du kích tự vệ cứu quốc đầu tiên ở Đường Thượng (tháng 9/1944) lực lượng vũ trang cách mạng ở Đồng Văn hình thành và tham gia tích cực các phong trào cách mạng, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, Phát xít Nhật giành chính quyền về tay nhân dân.
Nhưng cuộc nổi dậy của bọn phản động với ý đồ cướp chính quyền ở Đồng Văn và cuộc chiến dịch tiễu phỉ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Đồng Văn đã nhanh chóng phát hiện và dập tắt và giành được thắng lợi.
Với những chiến công trong chiến dịch tiễu Phỉ ở Đồng Văn, tiểu đội trưởng Công an vũ trang Mai Xuân Hùng được kết nạp ngay vào đảng; huyện đội trưởng Mã Chính Lâm được thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất và được gặp Bác Hồ; xã đội phó xã Vần Chải Sùng Dúng Lù được Chủ tịch nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” ngày 01/01/1967.
Tiếp đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy Hà Tuyên (lúc bấy giờ), Đảng bộ huyện Đồng Văn tiếp tục lãnh đạo nhân dân phát triển sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đập tan các trận tập kích, pháo kích, xâm nhập phá hoại của kẻ định.
Với những thành tựu đã đạt được trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của huyện; năm 2004 vinh dự Công an huyện Đồng Văn được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2005 cán bộ và nhân dân huyện Đòng Văn vinh dự được Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
KỲ II: “BỨT PHÁ - NÂNG TẦM KHÁT VỌNG”
Nhằm viết tiếp những trang sử vẻ vang mà những thế hệ cha anh đi trước đã gây dựng lên, hiện Đồng Văn đã và đang bứt phá trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
“Trâu đực biết đẻ”
Là huyện biên giới ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang, Đồng Văn có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Đồng Văn còn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được coi là “phên dậu của Tổ quốc”.
Người dân vùng cao núi đá Đồng Văn chính vì sinh ra và lớn lên trong gian khó nên đồng bào dân tộc nơi đây có tinh thần cần cù lao động, kiên cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và tinh thần đấu tranh bất khuất với các thế lực thù định phản động, ngoại xâm để sinh tồn và phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần đó tiếp tục được phát huy cao độ làm nên truyền thống vẻ vang của quê hương, truyền thống đó là nguồn lực nội sinh để các thế hệ người dân Đồng Văn tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới, thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững, làm cho Đồng Văn trở thành “điểm tựa” tin cậy của cả nước, xứng đáng là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ông Nguyễn Thế Đường, nguyên Bí thư Huyện Đồng Văn trước đây đã viết: “Người Đồng Văn quanh năm vất vả, sống trên đá chết nằm trong đá…” và câu nói đó đã trở thành bài hát quen thuộc của nhiều người dân nơi đây.
Nói về lợi thế, Đồng Văn vốn là một huyện không có lợi thế về giao thông đi lại, đất đai khô cằn không thuận lợi cho nông nghiệp phát triển, đá nhiều hơn đất. Với gần ¾ diện tích là núi đá tai mèo, nước sinh hoạt và sản xuất không đủ, người dân nghèo đói, lương thực chính chỉ có ngô.
Với điều kiện khó khăn như vậy, bao lớp lãnh đạo đã có những bước đi đột phá, có tính táo bạo, trong đó nổi bật nhất là mở mang giao thông, bởi theo ông Nguyễn Thế Đường giao thông là “mạch máu” và “điện là động lực” trong phát triển kinh tế.
Còn ông Hoàng Quốc Tôn, nguyên Chủ tịch UBMTTQ huyện Đồng Văn cho hay: trước đây Đồng Văn rất khó khăn về kinh tế - xã hội, nhất là giao thông đi lại, duy nhất chỉ có con đường mòn đi bộ và đi bằng ngựa thồ, đi cả mấy ngày liền từ thị xã Hà Giang mới đến được Đồng Văn.
Khi Trung ương cho chủ trương mở đường từ thị xã Hà Giang lên, thì người dân nơi đây còn chẳng thể tin rằng sẽ mở được con đường đến Đồng Văn, nhiều người dân còn nói: “nếu mở được con đường lên đây thì có trâu đực biết đẻ con”.
Song Đảng ta đã dựa vào dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, con đường của “ý Đảng, lòng dân”, với sự nỗ lực hoàn toàn bằng sức người, lao động thủ công, công cụ thô sơ và cuối cùng chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1965 con đường từ thị xã Hà Giang đã được mở thông đến trung tâm huyện Mèo Vạc, với 2.246.321 ngày công và 2.899.638m3 đất đá.
Riêng đèo Mã Pì Lèng lực lượng thi công phải treo mình bằng dây ròng từ trên xuống, bám vào vách đá dựng đứng đục từng lỗ choòng, phá từng tấc đá, thi công 11 tháng mới hoàn thành, có được thành công ấy là có sự hỗ trợ giúp đỡ rất lớn của cán bộ, công nhân, dân công các dân tộc tỉnh Hà Giang và hơn 1.500 thanh niên xung phong của các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nam Định, Hải Dương.
Đây là con đường huyền thoại nhất của thế kỷ XX là “Con đường Hạnh phúc” bởi nó đã hiện thực khát vọng từ bao đời nay của đồng bào dân tộc 4 huyện vùng cao núi đã trong đó có Đồng Văn.
Tiếp tục bứt phá
Nói về điện, ông Hoàng Quốc Tôn kể lại: Khi chưa tách tỉnh Hà Tuyên thì Đồng Văn chưa có điện Quốc gia, hầu hết người dân không điện, không đài, không ti vi, trong sinh hoạt đều phải dùng sức người để giã gạo, xay ngô... Sau khi tách tỉnh thì Đồng Văn có một trạm thủy điện nhỏ ở Sông Nho Quế và một máy phát điện diezel, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu điện của các cơ quan, ban ngành và người dân. Sau những năm 1999, được sự quan tâm của Tỉnh, thì 19/19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn được sử dụng điện và cuộc sống người dân nơi đây đã có sự thay đổi rõ rệt.
Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau hơn 35 năm, Đảng bộ huyện đã vượt qua bao khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện tạo đà cho huyện Đồng Văn tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững.
Để có được những bứt phá đi lên, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội phát triển, trước hết là có sự đổi mới về tư duy, dám nghĩ, dám làm, đồng thời người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải tiên phong. Tiêu biểu nhất cho sự bứt phá ấy là trong việc triển khai, nhân rộng trồng cây Hoa Tam giác mạch ở Đồng Văn. Giờ đây cây Hoa Tam giác mạch không chỉ chở thành một nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao Đồng Văn mà thông qua đó đã góp phần thay đổi diện mạo, đời sống kinh tế cho người dân khi mà Tỉnh Hà Giang đã quyết định xây dựng Hoa Tam giác mạch thành biểu tượng của vẻ đẹp, sản phẩm du lịch của Hà Giang cùng với cao nguyên đá Đồng Văn. Với chủ trương đó, từ năm 2015 đến nay lễ hội Hoa Tam Giác Mạnh tỉnh Hà Giang đã trở thành sự kiện thường niên hàng năm đón hàng triệu lượt du khách đến với vùng cao Đồng Văn vào dịp cuối năm.
Ngày nay, để có được những cánh đồng hoa Tam giác mạch đẹp lung linh, trải rộng, bát ngát giữa các thung lũng, triền đồi, khe đá và hàng năm đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến với Đồng Văn đến với vùng cao nguyên đá. Điều đó không phải ngẫu nhiên có được, mà phải có bàn tay khối óc của con người định hướng phát triển, có tầm nhìn, khát vọng vươn lên.
Chẳng thế tục ngữ ta có câu “một người biết lo bằng kho người làm”, cái khó nhất là lúc ban đầu, từ sự khởi nguồn, “khi đầu xuôi, đuôi lọt”, bởi người dân lúc đó chưa hề có nhận thức trồng để thu hút khách du lịch được, nên trồng không bài bản, nhỏ lẻ, có trồng nhưng không có chăm sóc, trồng để cứu đói lúc giáp hạt, trồng để làm thức ăn cho lợn, thế nhưng suy nghĩ của người dân đến nay đã khác, nhận thức đã nâng lên, tư duy đã đổi mới, người dân đã được hưởng lợi lớn từ cây hoa Tam giác mạch, đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn.
Chúng tôi đi tìm hiểu cuộc “cách mạng” ấy và sự “khởi nguồn của Hoa Tam giác mạch Đồng Văn”, chúng tôi được nghe đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy kể lại: “vào khoảng cuối năm 2012, lúc đó đồng chí với cương vị là Chủ tịch UBND huyện đi công tác tại xã Lũng Cú, khi đi trên đường đồng chí thấy bên kia nương đồi bên cánh đồng Thèn Pả (xã Lũng Cú) có một cụ bà đang thu hái một loài cây có thân nhỏ, hoa nhỏ li ti rất đẹp, màu sắc của hoa tinh khiết lạ thường, trắng hồng pha lẫn màu tim tím. Bên cạnh đó có khoảng 3-5 du khách đang rất thích thú ngắn nghía và chụp ảnh, đồng chí dừng xe lại rồi hỏi cụ bà đang cắt hái, đây là cây hoa gì? bởi khi đó loài cây hoa này chưa phát triển rộng, ít ai để ý, nhất là người ở miền xuôi lên.
Khi đó đồng chí Thịnh mới nhận công tác tại huyện Đồng Văn nên cũng chưa biết đó là cây hoa gì mà nó có màu hoa đẹp lung linh, nhưng rất tiếc cụ bà đó lại không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Việt), sau đó đồng chí cho gọi 01 cán bộ xã ra phiên dịch thì được biết là cây hoa Tam giác mạch,cụ bà cắt đem về cho lợn ăn.
Cụ bà nói: “trước đây dân vùng này trồng cây này để làm lương thực cứu đói lúc giáp hạt là chính, nhưng giờ hầu hết các hộ dân đã có ngô đủ ăn rồi, nên không trồng cây này nhiều nữa, mà chỉ trồng một ít làm nguồn thực phẩm cho lợn ăn thôi”.
Mặc dù khi đó thời tiết mới cuối thu, nhưng hoa tam giác mạch đang độ nở đẹp rực rỡ giữa không gian âm u của màu đá xám xịt, không khí se se lạnh trên miền đá xám cùng với thiên nhiên hùng vĩ. Sau những suy nghĩ anh nhận thấy cây hoa này có thể trồng phát triển lên để phục vụ du lịch cho Đồng Văn, sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con địa phương.
Cuộc cách mạng mang tên “Hoa Tam giác mạch”
Đồng chí Trần Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND xã Lũng Cú nhớ lại: khi đó trên địa bàn xã có cây Tam giác mạnh, nhưng lúc đó người dân chủ yếu trồng tự phát, trồng nhỏ lẻ, manh mún để làm thức ăn cho gia súc là chủ yếu, một số nhà trồng thu lấy hạt làm bánh ăn cứu đói.
Ngay sau đó đồng chí Thịnh đã có buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền xã, đồng chí đã chỉ đạo xã giao cho cán bộ và giáo viên của xã triển khai trồng thí điểm và giao phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với xã nghiên cứu, khảo sát và có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, huyện bố trí hỗ trợ kinh phí và giống.
Kết quả sau một thời gian trồng thí điểm, do được chăm sóc đúng kỹ thuật, hoa ra rất đẹp, màu của loài hoa này cũng biến đổi theo từng giai đoạn, khi mới nở hoa có màu trắng tinh khiết, sau chuyển sang phớt hồng, rồi chuyển sang tím đỏ.
Khánh du lịch thú bên cánh đồng hoa Tam giác mạch |
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuân, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện nhớ lại: năm 2014, thực hiện ý kiến đề xuất của đồng chí Hoàng Văn Thịnh tại phiên họp của UBND huyện, đồng chí đã đề xuất về phát triển cây hoa Tam giác mạch trên địa bàn huyện để phát triển du lịch, vừa làm nguyên liệu sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch.
Được sự đồng ý của UBND huyện và sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngay sau đó huyện Đồng Văn đã triển khai trồng và nhân rộng, lúc đó chủ yếu trồng dọc theo trục đường quốc lộ 4C và trồng tại một số xã trọng điểm như: Sủng Là, Sà Phìn, Phố Cáo, Phố Bảng, Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn…
Con đường Hoa Tam giác mạch |
Để tạo thành phong trào huyện đã tổ chức phát động trồng hoa tam giác mạch, thông qua đó đã tạo được sức lan tỏa từ huyện đến xã, đến thôn, ngày thứ 7, chủ nhật đồng loạt cán bộ huyện, cán bộ xã, giáo viên, các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đều hăng hái xuống cơ sở giúp trồng và tạo hình, ngành chuyên môn thì tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ngành văn hóa thì hướng dẫn cách trồng tạo hình cho đẹp với từng khu vực, phù phợp với những triền đồi, khe đá, thung lũng… để tạo thành phong trào.
Đồng thời, huyện tổ chức Hội thi hoa Tam giác mạnh giữa các xã, các đơn vị với nhau, từ đó đã tạo ra sức lan tỏa, một cuộc “cách mạng” lớn về trồng hoa Tam giác mạch ở Đồng Văn đã thành công.
Khách du lịch thích thú bên cánh đồng hoa Tam giác mạch |
Để tăng thêm sự tích cực, khích lệ trồng hoa Tam giác mạch, dù là một huyện còn nghèo, thu ngân sách còn thấp, song huyện đã có cơ chế đặc thù là: hàng năm đều bố trí hỗ trợ kinh phí từ 3-5 triệu đồng/ha để bà con nhân dân trồng, qua đó vừa thu hút khách du dịch, vừa phục vụ cho Lễ hội Hoa tam giác mạnh tỉnh Hà Giang, vừa tạo vùng nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ cây Tam giác mạnh như: mỳ, rượu, bánh Tam giác mạch... góp phần tăng thêm thu nhập xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.
Đổi thay từ dám nghĩ, dám làm
Tính đến nay huyện đã trồng được 2.582 ha, sản lượng 1.199,2 tấn, góp phần thực hiện thành công 7 mùa Lễ hội hoa Tam giác mạch của tỉnh. “Theo kế hoạch của UBND huyện dự kiến cuối năm 2022 huyện sẽ trồng 250,0ha ở 19 xã, thị trấn, trong đó chia làm 3 trà, trà 1 trồng 98,18ha, trà 2 trồng 135,96ha, đây là trà chính để phục vụ lễ hội hoa Tam giác mạnh, trà 3 trồng 15,8ha”, đồng chí Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho hay.
Cùng với sự bứt phá được coi như một cuộc “cách mạng” về trồng cây hoa tam giác mạch, thì bên cạnh đó Đồng Văn cũng có thêm một cuộc “cách mạng có tính lịch sử” nữa đó là về việc di chuyển mổ mả của đồng bào dân tộc Mông để thực hiện giải phóng mặt bằng tại xã Lũng Cú. Từ đó đã làm thay đổi hẳn tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc Mông ở Đồng Văn, bởi ngàn đời nay đối với đồng bào dân tộc Mông không bao giờ di chuyển mồ mả.
Nói đến công tác giải phóng mặt bằng tại xã Lũng Cú thì rất nhiều người là lãnh đạo, cán bộ ở tỉnh, ở huyện đến nay còn nhớ rõ, bởi đó là một cuộc vận động khó khăn nhất từ trước tới nay ở huyện Đồng Văn. Sự kiện được coi như “có tính lịch sử” về việc vận động người dân di chuyển mổ mả tổ tiên.
Bởi đối với đồng bào dân tộc Mông là “Đào sâu chôn chặt”, từ bao đời nay có một điều cấm kỵ, không bao giờ di chuyển mồ mả tổ tiên vì liên quan đến tâm linh. Nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, kết quả cuối cùng đã “biến điều không thể, thành có thể”, di chuyển thành công 161 ngôi mộ của dân tộc Mông tại xã Lũng Cú để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công kịp thời, đúng tiến độ.
Đồng chí Ly Mí Vàng, Phó Bí thư trực Huyện ủy nhớ lại, vào năm 2018-2019, thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện về giải phóng mặt bằng tại xã Lũng Cú, trong đó được xác định nhiệm vụ khó khăn nhất là vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện di chuyển mồ mả, do vậy huyện đã thành lập tổ công tác, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định phân công cá nhân đồng chí Vàng trực tiếp phụ trách với nhiệm vụ vận động bà con nhân dân di chuyển mồ mả.
Điều này khiến đồng chí Vàng phải mất nhiều đêm suy nghĩ, đồng chí cũng đã nhờ đến Thầy giỏi nhất ở vùng này để hỗ trợ, giúp đỡ việc di chuyền mồ mả, việc này cũng không phải dễ với các thầy nhận lời ngay, bởi dân tộc Mông chưa bao giờ di chuyển mồ mả, đó là điều tâm linh, kiêng kỵ.
Là người con của dân tộc Mông điều này được xem là thuận lợi của đồng chí Ly Mí Vàng, đồng thời là người uy tín, là lãnh đạo huyện, nên ngoài việc nắm chắc được chủ trương của Đảng và nhà nước về giải phòng mặt bằng, đồng chí Vàng phải đến từng hộ gia đình đề nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để làm công tác vận động, tuyên truyền.
Đồng chí Vàng kể lại: những lần thuyết phục được chồng rồi, nhưng người vợ lại không nghe, dòng họ không thuận, hôm nay gia đình nhất trí thì ngày mai lại không nhất trí... lúc đó làm công tác dân vận gặp muôn vàn khó khăn, do nhận thức của người dân ở đây còn thấp.
Bên cạch đó có một số phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền sai chủ trương của Đảng, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng của nhà nước, kích động, gây rối, lôi kéo nhân dân.
Đồng chí nhớ lại khó khăn nhất là vận động dòng họ Hờ ở thôn Séo Lủng và thôn Sủa Pả, hầu như chẳng có ai đồng ý, bởi họ cho rằng việc di chuyển mồ mả tổ tiên sẽ mang lại những điều không may, sui sẻo, đen đủi cho gia đình, dòng họ, con cháu sau này. Hay như hộ gia đình ông H. T. S ở thôn Sủa Pả, ông ra điều kiện chỉ nhất trí khi tỉnh, huyện bố trí cho con trai của ông phải được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được vào công chức nhà nước, đồng chí Ly Mí Vàng cho hay.
Với sự kiên trì, ròng rã cả mấy tháng trời thực hiện 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng nói tiếng đồng bào” để thuyết phục, vận động với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, đồng chí Vàng phải giải thích cho người dân hiểu việc di chuyển mồ mả ra nơi ở mới cũng giống như người trần ta di chuyển nhà cửa ra ở chỗ mới tốt hơn, đẹp hơn, có quy hoạch bài bản hơn.
Cứ thế đồng chí Vàng phải kiên trì vận động, giải thích, mỗi ngày giải thích một chút, rồi người dân cũng hiểu ra. Theo kinh nghiệm mà đồng chí Vàng chia sẻ: “Để hoàn thành được nhiệm vụ, trước hết phải lựa chọn và vận động những gia đình có nhận thức thức tốt để làm công tác vận động”, đồng chí Vàng cho hay “ban đầu cả tháng trời cũng chỉ vận động được 1-2 hộ đồng tình nhất trí, và những gia đình khó vận động nhất thì để sau cùng”.
Trong công tác di chuyển mộ không phải lúc nào cũng thuận lợi, bởi phụ thuộc vào thầy xem ngày giờ, nên có lúc phải di chuyển mộ vào cả ban đêm, có những ngôi mộ vào tờ mơ sáng, có lúc đang đào huyệt hay đang di chuyển mộ thì gặp những cơm mưa bất chợt như trút nước, cộng với thời tiết rét buốt, sương mù… làm cho những người làm nhiệm vụ di chuyển mộ không kịp chở tay, bị mưa ướt giá lạnh, có thành viên trong tổ công tác bị ốm sốt do những cơm mưa ấy.
Sau khi vận động, di chuyển thành công được vài ngôi mộ, cứ tưởng vậy là đã êm đẹp, song xuôi. Sau một thời gian có phần tử xấu kích động, nên các hộ dân lại yêu cầu chính quyền địa phương phải đào lại mộ lên để kiểm tra, vì nghi ngờ rằng: trong quan tài có đóng đinh, bởi người dân cho rằng quan tài có đóng đinh là điều kiêng kỵ, thế là lại một lần tiếp nối sự vất vả với cá nhân đồng chí Ly Mí Vàng và các thành viên trong tổ công tác.
Sau những cuộc vận động, giải thích không thành công, nếu như phải đào lại những ngô mộ vừa di chuyển ấy thì sẽ rất vất vả, cuối cùng đồng chí Vàng đề xuất mời lính công binh chuyên rà phá bon mìn, vật cản giúp tổ công tác thực hiện nhiệm vụ và lấy máy chuyên dụng để rà từng ngôi mộ, người dân trực tiếp xem và giám sát, cuối cùng người dân cũng đã tin trong quan tài không có đinh và không yêu cầu chính quyền địa phương đào lại những ngô mộ vừa di chuyển nữa.
Thông qua công tác dân vận, vận động di chuyển mộ giải phóng mặt bằng ở xã Lũng Cú đã củng cố thêm niềm tin giữa các dân tộc thiểu số với Đảng, các dân tộc đoàn kết thêm gắn bó.
Sau công tác giải phóng mặt bằng tại xã Lũng Cú, các chương trình dự án được đầu tư nay đã khang trang, sạch đẹp, kinh tế - xã hội đã đổi thay rõ rệt, quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố và giữ vững, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của huyện Đồng Văn vận động thành công người dân thực hiện di chuyển mồ mả với số lượng mộ nhiều nhất tại huyện Đồng Văn từ trước cho tới nay, vì thế được ví như một “cách mạng vận động người dân di chuyển mộ” tại Đồng Văn.
Ngày 17/3/2021, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới |
Bên cạnh việc trồng hoa tam giác mạch và di chuyển mồ mả ở Lũng Cú thì không thể không nhắc đến chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở huyện Đồng Văn. Nhờ có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và của người dân nên xã Lũng Cú đã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Đó khát vọng, ước muốn của cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Lũng Cú đã từ điều khổng thể thành có thể.
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy chia sẻ: Với điều kiện các xã của huyện Đồng Văn đều là xã nghèo, điểm xuất phát kinh tế- xã hội thấp, tỷ lệ nghèo, cận nghèo cao, sau khi huyện chọn xã Lũng Cú để đạt chuẩn NTM vào năm 2020, thời gian đầu còn nhiều cán bộ và nhân dân ở địa phương ít ai nghĩ đến một địa phương nghèo khó nơi địa đầu Tổ quốc lại có thể đặt được mục tiêu xã đạt chuẩn NTM, nhưng khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, phát huy nội lực với mong muốn khát vọng vươn lên, thì dù mọi việc có khó khăn đến đâu thì cuối cùng “biến điều không thể thành có thể”.
Ông Vàng Dỉ Chu, cán bộ hưu trí xã Lũng Cú cho biết: “Khi xã thực hiện XDNTM, tôi cũng trăn trở và phân phân xã Lũng Cú làm sao có thể đặt được mục tiêu NTM, vì lúc đó đời sống kinh tế, thu nhập của nhân dân trong xã chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp, sản xuất thuần nông một vụ, chưa có nhiều mô hình phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
Trong khi đó, đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Để hoàn thành mục tiêu, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/HU, về việc lãnh đạo xã Lũng Cú đạt chuẩn NTM vào năm 2020, để đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc và lấy người dân làm chủ thể XDNTM; thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã. Huyện ủy thành lập tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ xã Lũng Cú thực hiện các tiêu chí; đồng thời phân công 55 cơ quan, đơn vị giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo của xã Lũng Cú; phát động phong trào Ngày thứ 7 hướng về cơ sở, tìm giải pháp giúp dân xây dựng NTM qua những việc làm thiết thực.
Với phương châm “đoàn kết một lòng, phát huy tối đa mọi nguồn lực” cùng với đó là quyết tâm chính trị rất lớn của cấp ủy, chính quyền huyện, xã Lũng Cú và sự nỗ lực của người dân, cuối cùng nhiều tiêu chí khó như hạ tầng giao thông, môi trường, hộ nghèo, thu nhập… đã bị “khuất phục”.
Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, kết cấu hạ tầng được đầu tư, đường từ huyện vào trung tâm xã được mở rộng từ 5,5m lên thành 7m; 100% đường thôn, liên thôn được cứng hóa; các trường học được đầu tư xây mới khang trang, sạch đẹp đáp ứng tốt việc dạy và học; 9/9 thôn có nhà văn hóa khang trang, xã không còn hộ có nhà tạm…. Đây là xã đầu tiên và xã duy nhất đến thời điểm hiện tại của huyện Đồng Văn đạt chuẩn NTM.
Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tiếp tục thực hiện XDNTM đến năm 2025, huyện sẽ phấn đấu 02 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu XDNTM đạt các tiêu chí tăng 61 tiêu chí, tổng tiêu chí đạt được 271 tiêu chí, bình quân cả huyện đạt 15,94 tiêu chí/xã; hàng năm tăng từ 1-2 tiêu chí/xã; 01 xã hoàn thành 17 tiêu chí; 13 xã hoàn thành 14-16 tiêu chí, không có xã hoàn thành dưới 14 tiêu chí.
Có thể khẳng định từ con đường của “ý đảng lòng dân”, đến “khởi nguồn của Hoa Tam giác mạch”, rồi đến “một cuộc cách mạng vận động người dân di chuyển mộ” và chương trình XDNTM ở xã Lũng Cú, điều đó minh chứng cho ý chí tự lực, tự cường và khát vọng mãnh liệt vươn lên của bao lớp thế hệ lãnh đạo và người dân vùng cao nguyên đá nói chung và người dân Đồng Văn nói riêng.
KỲ III: “ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG”
Với phương châm “Đảng viên đi trước, để làng nước theo sau, vai trò của tổ chức đảng tại cơ sở đã được phát huy mạnh mẽ, trở thành những tấm gương điển hình để “dẫn lối” cho bà con địa phương.
Đảng viên đi trước, làng nước theo sau
Trong mỗi cuộc họp hay Hội nghị đồng chí Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Hoàng Văn Thịnh vẫn thường nhắc: “mọi việc đều phải phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, “đảng viên phải đi trước, để làng nước theo sau””.
Theo đó, mọi công việc, dù to hay nhỏ, khó hay dễ, người cán bộ, đảng viên phải đem hết tinh thần trách nhiệm để thực hiện công việc một cách tự giác, làm đến nơi đến chốn để đạt kết quả tốt nhất. “Chúng ta phải lựa chọn những việc có tính đột phá, có trọng tâm, trọng điểm để dồn lực tổ chức triển khai thực hiện, làm đến đâu phải chắc chắn, hiệu quả đến đó, để còn nhân rộng, không nên chỗ nào cũng là trọng tâm, chỗ nào cũng là trọng điểm, chỗ nào cũng là mũi nhọn - nhọn như quả mít là không nên và không đúng với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết của Đảng”, đồng chí Hoàng Văn Thịnh chia sẻ.
Thấm nhuần Tám lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm tỉnh Hà Giang năm 1961: “đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”.
Phát huy truyền thống một huyện anh hùng lao động, trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, với tinh thần, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, Nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy năng lực nội sinh để phát triển, biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành động lực, nguồn lực phát triển, vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Hoa Hướng Dương ở Đồng Văn |
Đảng bộ huyện xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ và thể hiện rõ sự quyết tâm thực hiện và sớm đưa chủ trương, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII và nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả nhất, nổi bật nhất là Đảng bộ huyện đã khẩn trương đề ra hành động để quyết tâm thực hiện thắng lợi 05 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã xác định.
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Đảng bộ huyện luôn bám sát các quan điểm đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ huyện đã chủ động triển khai, quyết liệt, quyết tâm và vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn của địa phương thông qua việc xây dựng các đề án, quy hoạch; ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận tập trung vào những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, quan trọng và phù hợp với đặc thù của địa phương.
Trong đó nổi bật phải kể đến là huyện đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả một số nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện như: Nghị quyết số 14-NQ/HU, ngày 08/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021-2025.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, Đồng Văn đã tập trung triển khai thực hiện thi công nâng cấp, mở mới một số tuyến đường trọng điểm để phát triển du lịch như tuyến đường từ thị trấn Đồng Văn đi mốc 450, tuyến đường đi xã Tả Lủng, các tuyến đường liên xã, liên thôn xóm.
Triển khai lắp đặt 39 gương cầu lồi trên các trục đường chính; thực hiện tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, kết quả trong 9 tháng đầu năm 2022, các xã, thị trấn đã lắp đặt được trên 400 đèn năng lượng, tiêu chí xanh đã trồng được gần 3.500 cây xanh và các loại hoa dọc các trục đường, tuyến phố, tiêu chí sạch.
Huyện cũng đã thực hiện xã hội hóa được gần 10 tỷ đồng để đổ bê tông tuyến đường nông thôn trên 33km và thực hiện các hạng mục cải tạo vệ sinh môi trường. Đến nay trên địa bàn huyện có 100% các xã có đường giao thông đi lại thuận lợi, đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường giao thông trục xã đạt 100%, đường trục thôn được cứng hóa đạt trên 80%, đường ngõ xóm, đường nội đồng được cứng hóa đạt trên 70%.
Cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng
Tuy nhiên, để cụ thể hóa triển khai thực hiện một trong ba khâu đột phá, được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là “tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân” gắn với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Ngoài việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, thì Huyện ủy cũng ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15-NQ/HU, ngày 27/4/2022 về phát triển vùng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch nông nghiệp tại thị trấn Phố Bảng và xã Phố Là, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Hoa cải ở Đồng Văn |
Kết quả sau một thời gian ngắn, cấp ủy chính quyền địa phương đã vận động được nhân dân thị trấn Phố Bảng, Phố Là trồng được 17ha cây ăn quả gắn với phát triển du lịch nông nghiệp đặc trưng. Vận động người dân chuyển đổi diện tích đất hoa màu giá trị kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch, tạo vùng sản xuất tập trung hàng hóa. Trước khi thực hiện, huyện đã tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, để từ đó thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện cho biết: mặc dù triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy khóa XVII về cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Đồng Văn gặp không ít khó khăn do điều kiện khí hậu, đá nhiều đất ít, thiếu nước sản xuất, nhận thức người dân còn thấp.
Song với sự quyết tâm, khát vọng vươn lên nên bước đầu đã có kết quả nhất định, đến nay huyện đã triển khai thực hiện được 291 vườn, một số vườn trồng rau kết hợp với chăn nuôi đã cho thu nhập ổn định.
Để có được kết quả đó huyện đã triển khai bằng nhiều biện pháp để thay đổi tư duy, nhận thức của bà con nhân dân, trong đó nổi bật nhất phải kể đến là tập trung tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền qua hệ thống loa không dây ở xã, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền qua các buổi họp chợ, tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook, tờ rơi, khẩu hiệu, pa - nô, áp phích).. Đặc biệt nhất là Đồng Văn đã biên tập lại các chủ trương, cơ chế chính sách ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện cho bà con và được niêm yết công khai tại tất cả hộ gia đình, trụ sở nhà văn hóa trên địa bàn toàn huyện.
Ngoài ra huyện còn hỗ trợ phân bón, cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí với định mức không quá 3 triệu đồng/vườn/hộ cho 225 hộ nghèo, hộ cận nghèo về thực hiện cải tạo vườn tạp dưới 100 cây ăn quả…
Hoa anh đào ở Đồng Văn |
Tổ chức triển khai tập huấn theo hướng cầm tay chỉ việc rất thiết thực tại cánh đồng cho bà con nhân dân; đồng thời huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Với sự quyết tâm đó, đến nay tại Đồng Văn đã xuất hiện hàng chục vườn có thu nhập trên 40 triệu/năm; 48 vườn thu nhập 21-39 triệu đồng/năm. Huyện cũng đã hình thành được một số vùng trồng rau chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa như: thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn; thôn Séo Lủng A, Séo Lủng B, xã Sảng Tủng; thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú...
Trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện cải tạo vườn, từ chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng rau chuyên canh và kết hợp chăn nuôi cho thu nhập khá cao như: Hộ ông Vàng Mí Lử thôn Lao Xa, xã Sủng Là chuyển đổi diện tích đất trồng ngô 0,12 ha sang chuyên canh trồng rau bắp cải, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt cho thu hoạch năm 2021 trên 100 triệu, 9 tháng đầu năm 2022 cho thu nhập gần 80 triệu đồng, hay hộ gia đình ông Vừ Sính Khề - thôn Đậu Chúa - xã Thài Phìn Tủng, Chăn nuôi lợn kết hợp trồng 0,3 ha rau, thu nhập từ 100-110 triệu đồng/năm và nhiều hộ khác nữa.
Huyện Đồng Văn đã chú trọng trồng các loại cây tạo cảnh quan, trong đó có cây hoa anh đào |
Bên cạnh đó, Huyện đã chủ động ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn huyện, trong đó tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của địa phương; trong đó có vùng sản xuất rau chuyên canh, rau trái vụ với diện tích trên 46 ha, tập trung phát triển thành vùng sản xuất quy mô lớn như tại Sảng Tủng 11 ha, thị trấn Đồng Văn 09 ha, bước đầu đã cho thu nhập cao trên 600 triệu/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí ước đạt gần 400 triệu đồng/ha/năm.
Để có được kết quả trên, đồng chí Bí thư Huyện ủy Hoàng Văn Thịnh cho biết: Lúc ban đầu triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, bởi nhận thức của người dân rất thấp, do vậy huyện phải tổ chức lễ phát động, xã tổ chức lễ phát động, huy động cả cán bộ huyện, cán bộ xã, các lực lượng vũ trang công an, quân sự, biên phòng và giáo viên cứ ngày nghỉ như: thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ lễ là xuống giúp bà con nhân dân thực hiện cải tạo vườn tạp; đồng thời huyện cũng đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước.
Xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; không phô trương, hình thức, đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, trước hết cán bộ, đảng viên phải có ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu phải đem hết tinh thần trách nhiệm để thực hiện, làm đến nơi đến chốn để đạt kết quả tốt nhất. Ý thức trách nhiệm sẽ quyết định đến chất lượng, hiệu quả công việc, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi trước, làm trước, để tạo sức lan tỏa trong nhân dân học và làm theo trong cải tạo vườn tạp.
Cùng với đột phá về hạ tầng giao thông nông thôn, chương trình cải tạo vườn tạp và chương trình phát triển trồng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch nông nghiệp, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định: Đồng Văn có lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ. Do vậy để cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 02/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025.
Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ, thương mại gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm trưởng Ban chỉ đạo, các thành viên là một số cơ quan, phòng ban chuyên môn của huyện.
Huyện Đồng Văn đã và đang thực hiện quy hoạch có tính dài hạn, bài bản, phù hợp với các quy định hiện hành của nhà nước, phù hợp với địa phương, để phát triển khu du lịch, đồng thời tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương, tăng cường tuyên truyền quảng bá thông qua các lễ hội truyền thống được thường xuyên tổ chức như: Lễ hội gầu tào, lễ hội khèn mông của dân tộc Mông, lễ hội xuống đồng, lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo, Cờ Lao, lễ cũng tổ tiên của dân tộc Lô Lô…
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ dân gian và nâng cao chất lượng của các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: làng nghề thêu trang phục Lô Lô, Làng nghề may mặc, làng nghề đan lát, làng nghề chế tác khèn mông… để phục vụ khách du lịch.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2022 huyện đã xây dựng được 300 chiếc pano, sửa chữa và thay thế hệ thống biển bảng, ở các điểm dừng chân như điểm: Khía Lía- ngã ba xã Ma Lé, điểm dừng chân Dốc Thẩm Mã xã Lũng Thầu… khắc phục 24 ngôi nhà không đúng với mẫu nhà truyền thống tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, khôi phục và bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc.
Cùng với đó, huyện tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết mật ong, tam giác mạch, ớt gió, lanh và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; triển khai mô hình liên kết tiêu thụ bí đỏ, kết quả đến nay đã tiêu thụ được trên 10 tấn quả. Riêng củ sâm khoai dự kiến liên kết tiêu thụ trên 300 tấn vào cuối năm 2022; xây dựng kế hoạch xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lợn đen Đồng Văn.
Tổ chức gắn tem logo OCOP, logo đối tác Công viên địa chất toàn cầu lên các sản phẩm OCOP, kết quả huyện đã có 15/15 sản phẩm được gắn tem logo OCOP lên bao bì sản phẩm. Cụ thể 02 sản phẩm mật ong Bạc hà của Công ty TNHH Trường Anh; 02 sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX Pó Mỷ; mật ong Bạc hà của HTX Hà An -Thành Ma Tủng; mật ong Bạc hà của HTX Thành Đô; 03 sản phẩm bánh giòn, bánh dẻo, bánh kem quế của HTX Bắc Nam; Rượu ngô Men lá Thiên Hương của HTX Rượu Thiên Hương; Túi xách và Vỏ gối vuông của HTX Sà Phìn A; Bánh đá của cơ sở Phùng Đức Bắc; Ớt gió ngâm dấm Nho Quế của HTX Thành Công; gắn logo lên biển hiệu sản phẩm Làng du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải - Lũng Cú. Đăng ký thương hiệu Vàng năm 2022 cho 02 sản phẩm mật ong OCOP gồm: mật ong Trường Anh, Mật ong Hà An. Tổ chức giới thiệu sản phẩm đặc trưng tại Siêu thị S1 Mart - Hà Nội với 13 sản phẩm OCOP và 16 sản phẩm đặc trưng của huyện Đồng Văn.
Với những nỗ lực đó, khách du lịch đến với Đồng Văn cao nguyên đá ngày càng tăng, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2022 tổng lượng khách đến tham quan trên địa bàn là 37.168 đoàn với 315.750 lượt khách, tăng 835,171 % so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt hơn 300 tỷ đồng.
Sẵn sàng cho những mục tiêu lớn
Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 4 mùa Hoa nở: mùa Xuân có Hoa mận, hoa Lê, hoa Đào; mùa hè có hoa Hướng Dương; mùa thu có hoa Tam giác mạch; mùa đông có hoa Cải. Tuy nhiên chưa được bài bản, hoa nở chưa đồng bộ, màu sắc chưa đẹp, chưa hấp dẫn, chưa có quy củ, trồng còn nhỏ lẻ, chưa có sức thu hút khách, phát triển du lịch, quảng bá chưa mạnh.
Để tiếp tục thực hiện khát vọng thành hiện thực, đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển du lịch ở Đồng Văn, đồng chí Bí thư Huyện ủy Hoàng Văn Thịnh cho biết: Ngay trong quý IV/2022, đồng chí sẽ đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến để huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và ban hành nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện về triển khai thực hiện “hoa nở bốn mùa trên cao nguyên đá Đồng Văn”, để hu hút khách du lịch, bởi Đồng Văn vốn là vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu, quyết tâm biến vùng đá xám thành “Đá nở hoa”, sớm đưa Đồng Văn trở thành xứ sở các loài hoa, trở thành nơi đáng sống nhất trên vùng cao nguyên đá.
Như vậy, trong thời gian tới, cao nguyên đá Đồng Văn sẽ có “hoa nở bốn mùa”, để thu hút khách du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025: “đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo; đến năm 2045 là huyện phát triển trung bình khá của tỉnh”. Và góp phần thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII: “Phấn đấu Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại và dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước”.
Dù tăng trưởng kinh tế của Đồng Văn chưa mạnh, nhưng kinh tế Đồng Văn vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng; năng suất lao động tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được cải thiện, nhiều hủ tục được bài trừ; giáo dục, y tế và chương trình an sinh xã hội được quan tâm đồng bộ, góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng và củng cố vững mạnh toàn diện.
Với các nhiệm vụ, giải pháp, xác định mục tiêu phát triển của huyện có ý nghĩa quan trọng, với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng, đó là sự kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương và dưới sự định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, đồng thời được cụ thể hóa những nội dung, quan điểm, định hướng, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để Đảng bộ huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, đòi hỏi cần phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết các dân tộc và khát vọng vươn lên. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là chuyển đổi số. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng cường đoàn kết, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức
(Ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc