Hiện nay, cùng với việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, huyện Mèo Vạc còn tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính pháp lý, không chỉ góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp mà còn thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, cùng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Một buổi tập huấn hòa giải tại cơ sở |
Năm 2022, toàn huyện Mèo Vạc tiếp nhận 153 vụ việc, trong đó đã hòa giải thành công 148 vụ, tỷ lệ hòa giải thành tại cơ sở chiếm tỷ lệ 96,73% vụ việc. Ông Nguyễn Đức Cảnh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Mèo Vạc cho biết: Việc kịp thời hòa giải những tranh chấp, bất đồng ngay từ khi mới phát sinh trong cộng đồng dân cư đã góp phần nâng tỷ lệ hòa giải thành ngay từ cơ sở, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, không dẫn đến tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp. Công tác hòa giải cơ sở cần sự làm việc tận tâm, nhiệt tình, không ngại khó khăn, vất vả của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Làm tốt công tác hòa giải từ cơ sở, có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân và Nhà nước, đồng thời góp phần xây dựng khối đoàn kết cộng đồng dân cư bền vững.
Năm 2022, toàn huyện Mèo Vạc tiếp nhận 153 vụ việc, trong đó đã hòa giải thành công 148 vụ, tỷ lệ hòa giải thành tại cơ sở chiếm tỷ lệ 96,73% |
Toàn huyện, hiện có 199 tổ hòa giải/ 199 thôn, tổ dân phố với 1.134 thành viên; chủ yếu là những người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn luôn đoàn kết, đồng tâm, chia sẻ công việc để hoạt động, mỗi khi ở thôn phát sinh một vụ thưa kiện hay một mối bất hòa dù nhỏ nhất đều được tìm hiểu ngọn nguồn giải quyết nhanh, gọn, tránh tồn đọng. Bên cạnh đó, huyện còn duy trì hoạt động của 47 mô hình tự quản về an ninh trật tự/ 300 thành viên; tăng 11 mô hình so với cùng kỳ. Tổ chức ra mắt 06 mô hình Dòng họ tự quản về an ninh trật tự gắn với bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở, ông Thò Mí Mua, thôn Nà Cuổng I, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) chia sẻ: Trước khi đưa vụ việc ra hòa giải, tổ hòa giải nên tổ chức xác minh, nắm rõ về nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Tổ chức họp tổ khoảng 30 phút để tổ trưởng báo cáo nội dung đơn yêu cầu, kết quả xác minh nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tranh chấp, khiếu kiện cho thành viên trong tổ nắm rõ để thảo luận. Đồng thời, là để tập thể tổ hòa giải có định hướng trước về nội dung, chiều hướng phân tích, giải thích để vận động 02 bên đương sự, nhằm tránh trường hợp các thành viên trong tổ hòa giải, trong quá trình phân tích, giải thích có ý kiến trái chiều, dẫn đến hiệu quả hòa giải không cao.
Cùng với vốn sống, kinh nghiệm trong công tác hòa giải, để nâng cao tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở, đội ngũ hòa giải viên cũng được quan tâm tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật. Hằng năm, Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở cho thành viên các tổ hòa giải cơ sở. Qua đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, nhân dân các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân.
Hà Linh (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc