Dự kiến đợt gần nhất khoảng ngày 10/10 - 12/10 và trong cả tháng có 2 đến 3 đợt lạnh làm nền nhiệt trung bình ban ngày ở Bắc Bộ xuống dưới 25 độ C.
Thời điểm này mọi năm, người dân Hà Nội và miền Bắc bắt đầu đón những đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên, trời lành lạnh, xúng xính áo thu đông. Thế nhưng năm nay mới chỉ có 1-2 ngày se lạnh về đêm và sáng. Ngay sau đó trời lại nắng và nóng lên, trên đường phố Hà Nội cũng chưa thấy có gì khác biệt, mọi người vẫn mặc áo cộc tay, áo chống nắng. Mà
Các năm trước, giai đoạn cuối tháng 9 bắt đầu xuất hiện 1 đợt gió mùa Đông Bắc, mang theo gió heo may, cái se lạnh đầu mùa, có thể diện áo dài tay hoặc áo khoác nhẹ. Năm nay, mặc dù không khí lạnh cũng đã xuất hiện hôm 25/9 - 26/9 nhưng rất yếu, mới chỉ đem đến cảm giác se lạnh về đêm và sáng sớm nên rất khó để cảm nhận.
Phải từ tháng 10 trở đi, các đợt lạnh mới đủ mạnh để nhiệt độ giảm hẳn và lúc đó người dân sẽ cần thêm những chiếc áo len mỏng hoặc áo khoác nhẹ.
Ảnh minh họa: TTXVN
Mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn năm ngoái
Rét đậm, rét hại có thể xuất hiện sớm hơn, trước ngày 25/12, trong khi trung bình nhiều năm thường sau ngày 25/12.
Trong các tháng chính đông, nền nhiệt tháng 12 sẽ cao hơn, còn tháng 1 và 2 sẽ thấp hơn năm 2020 khoảng 0,5-1 độ C.
Tháng 1 có khoảng 4-5 đợt không khí lạnh mạnh, gây rét đậm, rét hại diện rộng từ 4-6 ngày.
Biến đổi khí hậu khiến mùa đông ngày một ấm lên
Mùa đông năm nay lạnh hơn năm 2020 nhưng so với chuỗi số liệu nhiều năm sẽ theo xu thế ấm lên. Bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến nền nhiệt toàn cầu tăng mạnh, số ngày rét sâu càng ngày càng rút ngắn lại
Biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu là tần suất và cường độ các đợt lạnh ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, ngày càng giảm.
Thống kê gần 60 năm qua, số đợt không khí lạnh từ Siberia xuống Việt Nam trung bình mỗi năm có 29-30 đợt, nhưng gần 10 năm qua giảm còn khoảng 25 đợt, đặc biệt năm 2019 giảm tới gần một nửa so với trung bình.
Tuy rằng xu thế mùa đông ấm lên, số ngày rét sâu giảm đi nhưng biến đổi khí hậu lại làm gia tăng những giá trị bất thường như xuất hiện những giá trị nhiệt độ thấp kỷ lục, các đợt mưa tuyết trong mùa đông ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ngày càng nhiều hơn, xảy ra trên phạm vi rộng hơn.
Chưa bao giờ, Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) hay vùng núi của Nghệ An lại có tuyết rơi dày như năm 2016. Hay gần đây nhất, tháng 1/2020, mưa đá xuất hiện trên diện rộng tại một loạt các tỉnh, thành Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - điều chưa từng có trong tiền lệ.
Thời tiết cực đoan và hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra sẽ chưa dừng lại mà còn gia tăng trong tương lai. Mặc dù không thể đảo ngược xu thế của khí hậu nhưng chúng ta cần có những giải pháp để thích ứng.
Nguồn: VTV
Ý kiến bạn đọc