Việc tổ chức đám tang cho người đã mất đối với đồng bào người Mông còn tồn tại nhiều hủ tục, nhất là chưa đưa vào quan tài để chôn cất, còn để nhiều ngày, giết mổ nhiều gia súc… Xã Tả Ván của huyện Quản Bạ, nơi có 98% đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã đi đầu vận động Nhân dân cải tiến tổ chức đám tang theo hình thức văn minh, tiến bộ. Cho đến nay, không chỉ cải tiến tổ chức đám tang, nhiều hủ tục khác cũng đang dần được xóa bỏ trong cộng đồng dân cư.
Một cuộc cách mạng với các hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân đã diễn ra |
Trước đây, việc tổ chức đám tang của người Mông khiến cho điều kiện kinh tế của các gia đình đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. Đám tang diễn ra trong dài ngày, mổ nhiều gia súc, thủ tục rườm rà và nhất là việc bón cơm cho người mất, không đưa vào áo quan. Năm 2017, xã Tả Ván được huyện Quản Bạ lựa chọn xã làm điểm cải tiến tổ chức đám tang trong đồng bào dân tộc Mông. Một cuộc cách mạng với các hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân đã diễn ra. Lúc này vai trò của những già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín ở cộng đồng như ông Giàng Chẩn Sồ trưởng dòng họ Giàng ở xã Tả Ván được phát huy tối đa.
Hiện nay, trên 90% các đám tang khi được tổ chức đều không quá 2 ngày, không mổ nhiều gia súc |
Giờ thì 8/8 thôn của xã Tả Ván đã đưa vào hương ước, quy ước ở thôn bản nội dung cam kết trong các gia đình việc cải tiến tổ chức đám tang nói riêng và việc bài trừ các hủ tục lạc hậu khác nói chung. Việc thay đổi nhận thức của đồng bào về xóa bỏ hủ tục lạc hậu ban đầu không tránh khỏi khó khăn vì liên quan đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã ăn sâu trong nếp nghĩ của đồng bào. Và quá trình thay đổi nhận thức đối với đồng bào đã có những cách làm rất riêng của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nhiều hủ tục khác trong đám cưới, ăn ở thiếu vệ sinh, mê tín dị đoan cũng đang dần được xóa bỏ |
Trên 90% các đám tang khi được tổ chức đều không quá 2 ngày, không mổ nhiều gia súc, đặc biệt là tuân thủ việc đưa người mất vào áo quan để chôn cất. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng hướng người dân đến dịch vụ mua quan tài tránh việc khai thác, chặt phá rừng bừa bãi. Nhiều hủ tục khác trong đám cưới, ăn ở thiếu vệ sinh, mê tín dị đoan cũng đang dần được xóa bỏ. Song song với đó, Tả Ván chú trọng khôi phục những nét đẹp văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một. Tới đây, mỗi thôn bản cũng sẽ thành lập một Tổ văn nghệ dân gian để phụ trách các hoạt động văn hóa – văn nghệ, xây dựng nếp sống văn minh ở các khu dân cư vùng biên giới./.
Hương Giang- Hồng Quang
Ý kiến bạn đọc