Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện sản xuất đã trở thành xu hướng tất yếu của các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong xu hướng đó, các ngành quản lý nhà nước và các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin, vừa góp phần quản lý, giám sát hoạt động, kịp thời trong đổi thông tin.
Công tác phòng chống thiên tai được các nhà máy thủy điện chú trọng quan tâm |
Cụm Nhà máy thủy điện sông Miện 5 được xây dựng trên hệ thống sông Miện, ngay trên thượng nguồn của thành phố Hà Giang. Các hoạt động tích, xả lũ của cụm nhà máy sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Giang. Trước yêu cầu đó, Nhà máy đã đầu tư hệ thống quan trắc có nhiệm vụ đo đếm toàn bộ lượng nước về; cảnh báo các nguy cơ mất an toàn của đập và hệ thống nhà máy. Không những vậy, toàn bộ thông tin của hệ thống quan trắc còn được truyền trực tiếp về Bộ TN&MT, Cục Năng lượng Bộ Công thương và Sở TN&MT tỉnh Hà Giang.
Ứng dụng CNTT là cách làm mang lại hiệu quả cao trong cảnh báo thiên tai |
Còn với nhà máy thủy điện sông Lô 6, đây là bậc thủy điện cuối trên dòng sông Lô thuộc địa phận tỉnh Hà Giang. Nhà máy có dung tích hồ chứa lớn nhất tỉnh. Việc chủ động nắm bắt thông tin trong hoạt động điều tiết lũ của các nhà máy bậc trên sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động cũng như độ an toàn của nhà máy. Do đó ngoài việc đầu tư hệ thống quan trắc, lắp camera giám sát, nhà máy cũng đã đề xuất xây dựng các nhóm zalo giữa các nhà máy thủy điện để kịp thời thông tin, báo cáo tình hình khi có tình huống bất thường xảy ra.
Đến giữa năm 2022, toàn tỉnh Hà Giang đã có 36 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với công suất lắp máy là 725 MW. Phần lớn các Nhà máy trên đều được xây dựng tại những địa hình đồi núi dốc, theo hình thức bậc thang. Do vậy, hoạt động giữa các nhà máy sẽ tác động trực tiếp lẫn nhau. Để đảm bảo an toàn, kịp thời nắm bắt thông tin đồng thời cũng là công khai hóa hoạt động của các nhà máy, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế vận hành liên hồ chứa. Đồng thời yêu cầu các nhà máy đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất và báo cáo. Với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động điều hành, sản xuất của nhà máy không chỉ góp phần giúp cho các thủy điện hoạt động hiệu quả, an toàn. Đồng thời đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước giám sát hoạt động của các nhà máy. Trên cơ sở đó sẽ có những chỉ đạo kịp thời cho các nhà máy thủy điện để phát huy hiệu quả, giảm tác động đến sản xuất và đời sống của nhân dân./.
Đình Anh - Tuấn Quỳnh
Ý kiến bạn đọc