Cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc qua các tiết mục nghệ thuật hào hùng, bi tráng cùng với những câu chuyện sâu lắng ở 6 điểm cầu.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tối 27/7/2022, cầu truyền hình đặc biệt Khúc tráng ca hòa bình đã diễn ra tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, An Giang. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h00 trên kênh VTV1.
Dự chương trình tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Cùng dự còn có nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương, lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Mở đầu của cầu truyền hình là tổ khúc đặc biệt Khúc tráng ca hòa bình gồm các tiết mục diễn ra tại 6 điểm cầu. Bài hát Đất nước trọn niềm vui tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh khép lại tiết mục mở màn này. Tiết mục thể hiện khát vọng hòa bình và quyết tâm bảo vệ nền hòa bình của dân tộc.
6 điểm cầu trong tiết mục mở màn.
Tiết mục mở màn tại điểm cầu Hà Nội
Điểm cầu Hà Nội
Điểm cầu TP Hồ Chí Minh
Màn hát múa tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.
Điểm cầu Hà Giang
Điểm cầu Quảng Nam
Tiết mục mở màn tại điểm cầu Quảng Nam (Ảnh: Báo Quảng Nam điện tử)
ĐIểm cầu Bình Định
Điểm cầu An Giang
Với 3 chương, Khúc tráng ca hòa bình đã tái hiện những trang sử hào hùng của dân tộc, khắc ghi sự hy sinh của lớp lớp cha anh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
NHỮNG DẤU CHÂN HOÀ BÌNH...
Dân tộc ta, từ bao đời nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, nền hòa bình dân tộc bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều để lại dấu ấn không thể quên về một thời ta đã sống và hy sinh vì hòa bình, vì độc lập dân tộc.
Hoạt cảnh tại điểm cầu Hà Nội đã tái hiện hình ảnh cuộc tổng động viên sinh viên Hà Nội lên đường năm 1971, 1972; ga Hàng Cỏ với những cánh thư bay gửi người ở lại… Kết hợp âm nhạc với các ca khúc Lá xanh, Gửi anh đi đầu quân, Hát mãi khúc quân hành, trường đoạn này đã khiến người xem không khỏi xúc động trước sự sục sôi khí thế lên đường của những người “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu.
Phóng sự Tuổi 20 giữa bão lửa lắng đọng lại với câu chuyện về những con người mãi mãi tuổi 20, trong đó có liệt sĩ Huỳnh Kim Trung. "Nếu lòng ta cứ sợ mưa sa/ Thì nắng đẹp mùa xuân đâu sẽ thấy" là những lời của anh viết trong sổ nhật kí trước khi lên đường. Anh đã viết đơn tình nguyện vào thực tập và chiến đấu tại Quảng Bình, vùng đất được gọi là tọa độ lửa, ngày đêm hứng chịu bom đạn Mỹ. Trong lúc làm nhiệm vụ anh bị thương nặng và hy sinh, lúc đó anh vừa mới 20 tuổi. Anh ra đi với ước mơ về những ngày mùa xuân hòa bình của đất nước.
Liệt sĩ Huỳnh Kim Trung
NSƯT Tấn Minh với ca khúc Kỷ niệm của tôi
NSND Thái Bảo thể hiện ca khúc "Thời hoa đỏ"
Sau chùm ca khúc Kỷ niệm của tôi và Thời hoa đỏ tại điểm cầu Hà Nội, chương trình đưa khán giả tới với Quảng Nam - điểm dừng chân của rất nhiều những dấu chân hòa bình ra đi. Hơn 65.000 liệt sĩ, hơn 30.000 thương binh là những con số đã nói lên sự khốc liệt của chiến tranh trên mảnh đất lửa Quảng Nam anh hùng - nơi lập nên nhiều chiến công hiển hách. Những người con xứ Quảng luôn mang trong mình khát vọng không còn đạn bom trên quê hương để đất và người Quảng Nam được sống dưới nắng hòa bình.
Phóng sự Một thời hoa lửa là câu chuyện về ý chí kiên cường của Anh hùng LLVTND Trần Thị Dự (Núi Thành, Quảng Nam) - người con đất Quảng Nam - về những ngày tháng thanh xuân khi cùng bạn bè chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bà nhớ về những người đồng đội của mình, trong đó có chị Liên - người đã hy sinh khi mới 19, đôi mươi.
Anh hùng LLVTND Trần Thị Dự thăm mộ đồng đội của mình.
Ca khúc "Vết chân tròn trên cát" được thể hiện bởi ca sĩ Quang Hào và các cựu binh Quảng Nam đầy xúc động.
(Ảnh: Báo Quảng Nam điện tử)
Những dấu chân hòa bình tiếp tục hành trình ở Bình Định với những ngày tháng chiến đấu khốc liệt, hứng chịu nhiều đợt tấn công nhằm cắt đứt điểm tập kết cuối cùng vào miền Nam. Nhưng chính trong bão lửa của chiến tranh lại bừng lên những con người mà "cái chết đã hóa thành bất tử". Ca khúc Tổ quốc gọi tên mình đầy da diết mà hào hùng vang lên tại điểm cầu Bình Định.
Phóng sự Khúc bi tráng trên đồi Xuân Sơn là câu chuyện xúc động khi 56 năm sau, lực lượng quy tập đã xác định được danh tính 60 liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn, hy sinh vào cuối tháng 12/1966. Một lễ truy điệu trang trọng đã diễn ra trong ngày đón các anh trở về.
Tiết mục Đóa hoa xanh khép lại câu chuyện xúc động ở điểm cầu Bình Định trong chương 1 của cầu truyền hình.
BÀI CA KHÔNG QUÊN...
Đầu năm 1979, toàn tuyến biên giới phía Bắc kéo dài hơn 1.400km từ Quảng Ninh đến Lai Châu đã phải căng mình chống đỡ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Hà Giang là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất và cũng là nơi chịu nhiều tổn thất nhất. Thật khó tin là sự khốc liệt ấy chỉ mới kết thúc hơn 30 năm. Những chàng trai 18 năm nào nếu còn sống thì họ vẫn còn rất trẻ. Họ đã quên mình để giữ đất biên cương. Từng gốc cây, vách núi, ngọn đồi đều có một phần thân xác của các anh ở đó. Vị Xuyên, Hà Giang, những ngày tháng 7 năm 2022, 10 bộ hài cốt của các anh hùng liệt sĩ đã được tìm thấy từ những núi đá biên cương và trở về trong vòng tay của những người đang sống.
Ca khúc Lũy đá bất tử (lời: Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Ninh và đồng đội. Nhạc: Trương Quý Hải) được thể hiện bởi các cựu chiến binh của mảnh đất Hà Giang năm xưa và ca sĩ Đông Hùng trên sân khấu điểm cầu Hà Giang.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách đền ơn đáp nghĩa. Thời gian quá lâu, tư liệu ít ỏi nên quá trình tiềm kiếm gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Và thử thách còn nhân lên gấp bội khi chúng ta tiến hành tìm kiếm tại hai nước bạn - Lào và Campuchia. Mỗi một bia mộ được xác định danh tính là một cuộc đoàn tụ, là hành trình trở về với đất mẹ trong vòng tay người thân nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau của những gia đình liệt sĩ.
Năm 2022, đội quy tập K53 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum xác minh trả lại tên cho 33 bia mộ liệt sĩ, trong đó có trường hợp liệt sĩ Định Văn Thảo có thông tin trùng khớp với liệt sĩ Đinh Công Thảo. Phóng sự về cuộc đoàn tụ của con gái liệt sĩ Đinh Công Thảo với cha của mình tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum khiến ai cũng phải rơi nước mắt nghẹn ngào.
"Cuộc đoàn tụ" gây xúc động cho các đại biểu ở các điểm cầu cũng như khán giả theo dõi cầu truyền hình.
Bên cạnh việc được gặp lại cha - khát vọng cháy bỏng suốt 60 năm mới thành hiện thực của gia đình liệt sĩ Đinh Công Thảo là một cuộc đoàn tụ khác đầy cảm xúc tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Đỗ Thanh Tình - cháu của liệt sĩ Đỗ Văn Bân - vô cùng xúc động khi nhận lại kỷ vật của chú mình.
Ông Đỗ Thanh Tình nghẹn ngào rồi bật khóc khi nhận kỷ vật của chú mình.
An Giang - từ kháng chiến chống Mỹ đến chiến trường Tây Nam - nơi tiếp nhận nhiều quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia chiến đấu. Khi trở về, phần nhiều trong các anh là những bia mộ trắng/trống, chưa xác định được thông tin. Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Tịnh Biên - An Giang có hơn 8.500 ngôi mộ thì phân nửa là chưa xác định được thông tin.
Phóng sự Tây Nam ngày đón anh về là câu chuyện của Đội tìm kiếm K93 đã tìm kiếm và quy tập, hồi hương được 3.293 hài cốt liệt sỹ, trong đó tại Campuchia là gần 2.000 ngôi mộ và xác định được danh tính là gần 400 ngôi.
Tiết mục "Bài ca không quên" tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.
Ca khúc "Bài ca không quên" ở điểm cầu TP Hồ Chí Minh khép lại những câu chuyện xúc động về công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Tiếp ngay sau đó, ca khúc Huyền thoại mẹ tại điểm cầu Quảng Nam lại mở ra câu chuyện về những Mẹ Việt Nam anh hùng với nỗi đau dù qua hàng chục năm vẫn âm ỉ trong trái tim.
Ca từ của bài hát Huyền thoại mẹ được thể hiện đan xen với những lời bộc bạch của mẹ Ngô Thị Lang - Mẹ Việt Nam anh hùng 100 tuổi về người con của mình mà mẹ không biết ngày mất cũng không biết nơi con nằm lại chính xác ở đâu.
Mẹ Ngô Thị Lang, 100 tuổi ở Quảng Nam
Giọng ca của Thanh Lam tại điểm cầu Hà Nội kết hợp với màn múa tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh tạo nên sự kết nối trong chính một tiết mục. Ca khúc Đất nước tiếp tục mạch cảm xúc về sự hy sinh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng và cũng là khép lại chương 2 của cầu truyền hình.
KHÁT VỌNG HOÀ BÌNH
Những người thương binh trở về với hòa bình, mang theo tinh thần lạc quan "tàn mà không phế", chung tay vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đồng hành cùng đất nước khi sang những trang sử mới: trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh. Đó là lời hứa thiêng liêng của những người còn sống với những đồng đội đã khuất.
Cựu chiến binh Võ Thanh Triên (ở Bình Định) và cựu chiến binh Huỳnh Châu Son (ở An Giang) là những người bước ra từ cuộc chiến tranh, đều mang trong mình tinh thần vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho quê hương, chung tay xây dựng đất nước ngày một phồn vinh.
Cựu chiến binh Võ Thanh Triên (Bình Định)
Những đóng góp của hàng triệu cựu chiến binh trên khắp cả nước đã mang đến những vùng đất trù phú và phát triển. Trong đó, An Giang nay không chỉ là vựa lúa, vựa cá mà là vùng đất linh thiêng với hệ sinh thái đa dạng hàng đầu của ĐBSCL, góp phần xây dựng vùng biên vững chắc về giao thương, hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân.
Ca khúc Đất nước tình yêu đã vang lên ở điểm cầu An Giang đầy xúc động và sâu lắng.
Điểm cầu Hà Giang mang tới những câu chuyện về những người trẻ viết tiếp "Bài ca không quên" của các thế hệ cha anh. Thế hệ trẻ đầy lòng biết ơn và khao khát muốn cống hiến đã thay một tấm áo mới cho Hà Giang - năm xưa còn là chiến địa ác liệt, nay đã trở thành một mảnh đất đầy sức sống. Không chỉ ở Hà Giang, khắp mọi nơi của Tổ quốc, tinh thần cống hiến ấy đã lan tỏa khắp dải đất hình chữ S.
Thời chiến tranh, lớp lớp thế hệ hy sinh xương máu, tuổi xuân vì hòa bình đất nước. Ở thời bình, vẫn có bao lực lượng cống hiến hết lòng hết sức, quên mình hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Câu chuyện của Thượng úy Đinh Văn Dương - người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn rơi máy bay ở Thạch Thất, Hà Nội cách đây 7 năm hay sự hy sinh của hai hiệp sĩ đường phố Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi là những con người như thế.
Thượng úy Đinh Văn Dương bên các con.
Võ Hạ Trâm thể hiện ca khúc "Một đời người, một rừng cây" tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.
Liên khúc Cánh chim hòa bình và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ cùng với sự xuất hiện lần lượt của 6 điểm cầu là lời chào của cầu truyền hình đặc biệt Khúc tráng ca hòa bình.
(Ảnh: Báo Bình Định online)
(Ảnh: Báo Bình Định online)
Những cánh chim bồ câu gửi thay lời ước nguyện, khát vọng được sống mãi trong hòa bình của những người con đất Việt tận tâm, tận lực làm nên đất nước muôn đời!
Nguồn: VTV
Ý kiến bạn đọc