Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Nỗi đau da cam – Khúc vĩ thanh tráng ca hòa bình

16:27, 10/08/2022

Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó rất nhiều đối tượng gián tiếp là thế hệ con, cháu của các cựu chiến binh. Nỗi đau xuyên thế hệ không phải là chuyện hiếm lạ dưới những mái nhà nạn nhân chất độc da cam dẫu tiếng súng, tiếng bom trên chiến trường đánh Mỹ cứu nước đã lùi về quá khứ gần nửa thế kỷ…

Dị tật bẩm sinh do chất độc da cam, nên em không đi lại được

Với những người bình thường, việc gõ bàn phím đánh máy tính rất dễ dàng. Nhưng với Nguyễn Thị Vân, ở tổ 5 phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, công việc này phải nỗ lực gấp nhiều lần. Nguyễn Thị Vân đã 39 tuổi, nhưng cái tuổi bị giấu trong hình hài của một đứa trẻ. Dị tật bẩm sinh do chất độc da cam, dù không đi lại được, không kiểm soát được cử động trên cơ thể, không diễn đạt được lời nói nhưng Nguyễn Thị Vân lại nhận thức rõ ràng về số phận nghiệt ngã của bản thân, về nỗi đau đớn, sự hy sinh của cha mẹ.

Bấy nhiêu chỉ là một vài thân phận trong hàng nghìn cảnh đời bất hạnh

May mắn hơn Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Lệ Đỗ Lưu có thể đi lại linh hoạt, tự làm các công việc nhà, việc chăm sóc bản thân và học thêm được nghề may mặc, sửa chữa quần áo. Nhưng di chứng chất độc hóa học da cam thì không thể khiến cho khuôn mặt của Lưu thừa hưởng những nét đẹp của mẹ, đôi tai dày dặn của cha và vĩnh viễn em không có khả năng nhận biết âm thanh của cuộc sống.

Em Nguyễn Lệ Đỗ Lưu học thêm được nghề may mặc, sửa chữa quần áo

Bấy nhiêu chỉ là một vài thân phận trong hàng nghìn cảnh đời bất hạnh. Dẫu chật vật, dẫu đau đớn, dẫu vô tri thì cái giá của sự tồn tại vốn không đong đếm bằng một con số. Những thân phận khuyết thiếu là nạn nhân chất độc da cam, có những người trong suốt nhiều năm liền, thậm chí cho đến tận cuối đời, họ sống lặng lẽ chẳng thể trả lời được câu hỏi mình là ai. Nhưng cũng có những số phận phải “vùng vẫy” trên cơ thể, cuộc sống gói gọn trong cũi sắt, phòng giam.

Nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần thì ngày càng biểu hiện nặng nề hơn

Tỉnh Hà Giang cho đến nay vẫn còn hàng nghìn người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học Dioxin. Nỗi đau da cam đã biểu hiện ở thế hệ thứ 3 sau đứa con là những đứa cháu của thế hệ cựu chiến binh sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mặc dù Đảng, Nhà nước, cả xã hội và những đồng đội luôn dành sự quan tâm đối với họ nhưng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần thì ngày càng biểu hiện nặng nề hơn.

Toàn tỉnh đến nay vẫn còn hàng nghìn người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học Dioxin

Ngày 10/8 cách đây 61 năm, cuộc chiến tranh hóa học được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang” do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh gây hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử loài người. Hàng triệu cựu chiến binh là nạn nhân của chất độc da cam, hàng trăm nghìn người là thế hệ con cháu của họ đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Ngày này của 61 năm trước không chỉ nhắc nhớ một sự kiện thảm khốc đối với Nhân dân Việt Nam mà ngày này cũng được xem là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp chung tay xoa dịu nỗi đau với những mảnh đời bất hạnh, tật nguyền, dẫu biết rằng đó chỉ là sự động viên, khích lệ tinh thần so với nỗi đau mà họ phải gánh chịu do hậu quả của chiến tranh./. 

Hương Giang- Tuấn Đạt


Ý kiến bạn đọc