Cụ thể hoá Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xoá bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, huyện Quản Bạ đã quyết tâm, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân. Nhờ đó, đến nay, 13/14 dòng họ dân tộc Mông trên địa bàn huyện đã thực hiện đưa người chết vào áo quan.
Ông Mua Seo Sáng (Áo ghi) đã chuẩn bị sẵn 2 áo quan cho mình và vợ |
Mặc dù là một trong những người thuộc thế hệ đi trước với 68 tuổi đời, nhưng ông Mua Seo Sáng ở thôn Lò Suối Tủng, xã Tả Ván lại rất tiến bộ khi nhận thức được việc không đưa người chết vào trong áo quan tồn tại ở dòng tộc mình từ nhiều đời nay là một hủ tục. Do đó, ông đã chủ động khuyên bảo con cháu chuẩn bị sẵn 2 chiếc áo quan cho mình và vợ để sử dụng sau khi qua đời.
Cán bộ xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong xóa bỏ hủ tục |
Tả Ván là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Quản Bạ với tỷ lệ hộ nghèo là trên 80%, gần 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây trong đời sống của người dân tồn tại nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là mất vệ sinh môi trường, không cho người chết vào áo quan, đám ma kéo đai nhiều ngày, giết mổ nhiều gia súc…Nhờ được tuyên truyền vận động nên hiện nay người dân đã thay đổi nhận thức, từng bước xoá bỏ các lễ nghi tốn kém này; đặc biệt là đã có 7 trên 10 dòng họ dân tộc Mông trên địa bàn xã đã thực hiện cho người chết vào áo quan.
Hiểu được tâm lý của phần đông đồng bào dân tộc thiểu số là chỉ tin vào những điều mắt thấy, tai nghe. Do đó, trên cơ sở nhận diện các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu ở địa phương, nặng nề nhất là việc chưa đưa người chết vào áo quan và giết mổ nhiều gia súc trong tang ma, huyện Quản Bạ đã tập trung phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện. Đến nay, 13/14 dòng họ dân tộc Mông trên địa bàn huyện đã thực hiện đưa người chết vào trong áo quan.
Bài trừ các hủ tục lạc hậu là việc làm không thể “một sớm, một chiều”. Do đó, tinh thần gương mẫu, hăng hái đi đầu của cán bộ đảng viên, nhất là người đồng bào dân tộc trên địa bàn chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân để cùng quyết tâm thực hiện bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu để xây dựng nếp sống văn minh./.
Văn Hương - Hải Tú
Ý kiến bạn đọc