Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Lễ hội Cầu Trăng tộc Người Ngạn xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang

17:49, 11/10/2022

Ngày 10/10, tức 15/9 âm lịch, xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang đã tổ chức Lễ hội Cầu Trăng, hay còn gọi Lễ hội Nàng Hai. Lễ hội dân gian độc đáo mang đậm màu sắc tâm linh có tính hướng thiện và tính giáo dục cao trong cộng đồng người Ngạn. Tới dự buổi lễ, có lãnh đạo Thường trực UBND huyện; các cơ quan phụ trách xã, đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.

Theo nghi lễ đoàn rước lễ từ đình về đàn cúng phải có 8 thanh niên khiêng kiệu gồm 4 nam và 4 nữ

Từ bao đời nay, Bà con tộc Người Ngạn quan niệm trên cung Trăng có mẹ Trăng và 12 nàng tiên (con gái của mẹ). Mẹ Trăng cùng 12 nàng tiên là những người luôn chăm lo, bảo vệ mùa màng cho muôn dân. Lễ hội dân gian được tộc Người Ngạn ở thôn Lâm xã Vô Điếm duy trì tổ chức vào dịp tháng 8 âm lịch hàng năm với ý nghĩa đón mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui hội cùng dân bản, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống trong bản luôn bình an và gặp nhiều may mắn. 

Lễ hội dân gian được tộc Người Ngạn ở thôn Lâm xã Vô Điếm duy trì tổ chức vào dịp tháng 8 âm lịch

Trước nguy cơ mai một những nét văn hóa độc đáo của tộc người Ngạn, trong đó có lễ hội Nàng Hai. Năm 2007 UBND huyện Bắc Quang và xã Vô Điếm tổ chức phục dựng Lễ hội Nàng Hai. Ngày 27/9/2018, Lễ hội Cầu Trăng tộc người Ngạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ngày 27/9/2018, Lễ hội Cầu Trăng tộc người Ngạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Lễ hội cầu Trăng được tổ chức thành hai phần, lễ và hội. Phần lễ thường được tổ chức vào đêm rằm tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch trên một bãi đất rộng với các nghi thức "cúng thổ công chúa bản" tại ngôi miếu chung để xin phép cho dân bản được tổ chức lễ hội cầu Trăng, bà con cùng chứng kiến lễ dâng các sản vật, khấn mời mẹ Trăng xuống hạ giới nghe những tâm tư, tình cảm của người dân sau một năm siêng năng làm lụng, đồng thời rước lễ từ đình Thảnh An về đàn cúng ngoài trời theo truyền thống. Theo nghi lễ đoàn rước lễ từ đình về đàn cúng phải có 8 thanh niên khiêng kiệu gồm 4 nam và 4 nữ, đi đầu là thầy cúng và các nghệ nhân múa lượn chán, tiếp sau là các mâm Lễ vật gồm đầu lợn, 4 chân lợn, gà, vịt, rượu, các loại bánh, xôi nhuộm ngũ sắc. Sau khi thực hiện xong nghi lễ trình báo mẹ Trăng và 12 nàng tiên, già làng tiến hành các nghi lễ cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; mời mẹ Trăng và các nàng tiên về ban mùa màng và phước lành cho dân bản.

Khi trăng lên đến đỉnh đầu cũng là lúc đêm hội Cầu Trăng kết thúc

Về phần hội, bà con chứng kiến thầy cúng thổi tù và khai hội với quan niệm thanh âm thiêng liêng, có ý nghĩa kết giao giữa đời thực và thế giới tâm linh, hướng con người về với tổ tiên, nguồn cội.

Khi trăng lên đến đỉnh đầu cũng là lúc đêm hội Cầu Trăng kết thúc, cả làng cùng làm lễ tiến đưa mẹ trăng về trời, sau đó lại tiếp tục ngân nga trong câu hát then, hát cọi đầy sức lôi cuốn lòng người. Kết thúc buổi lễ, già làng sẽ phát các hạt giống cho con cháu, cầu cho tất cả bà con trong bản một vụ mùa gieo trồng thuận lợi, mùa màng bội thu, dân bản no ấm

Trước đêm Lễ hội Nàng Hai, xã Vô Điếm huyện Bắc Quang cũng đã tổ chức các hoạt động thi đấu bóng chuyền nam – nữ và tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách gần xa.

Một số hình ảnh tại lễ hội cầu Trăng:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Chí Cường( Bắc Quang)


Ý kiến bạn đọc