Ngày 12/5 tới đây, tại Hội trường lớn tỉnh ủy sẽ diễn ra Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ tỉnh ủy. Trong đó, Nghị quyết 27 là cách làm mới, sự sáng tạo của tỉnh, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao nhằm bài trừ những hủ tục, phong tục, tập quán không còn phù hợp, hướng người dân đến cuộc sống văn minh. Và quá trình thực hiện, một trong những cách làm được chú trọng là phát huy vai trò chủ thể, tự giác để người dân nói cho người dân nghe và cùng thực hiện.
Dòng họ Mã tại xã Tùng Bá huyện Vị Xuyên có 50 hộ gia đình. Trước đây, người dân còn giữ thói quen cúng bái vào nhiều dịp như mừng thọ, sinh nhật, giải hạn…khiến tiêu tốn thời gian, tiền của, công sức. Trưởng dòng họ Mã là ông Mã Thanh Bình vốn là một cán bộ của ngành Giáo dục. Thấy được hậu quả của những quan niệm lạc hậu, ông gương mẫu thực hiện xóa bỏ, trước hết trong gia đình mình, sau đó vận động những người trẻ trong dòng họ hưởng ứng làm theo. Dòng họ Mã còn tiêu biểu trong công tác khuyến học, khuyến tài. 100% con cháu trong dòng họ được đến trường, có 90% số học sinh học hết lớp 12, riêng năm 2022 có 4 cháu đỗ thẳng vào Đại học. Trong số 50 hộ gia đình của dòng họ Mã, hiện nay cũng chỉ còn 2 hộ nghèo, số hộ khá, giàu tăng lên hàng năm, 16 hộ được công nhận mô hình Nhà sạch – Vườn đẹp.
Lễ ra mắt dòng họ tự quản về ANTT và xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại Mèo Vạc |
Triển khai Nghị quyết 27, việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc tích cực, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, sự phối hợp của các cấp, các ngành đặc biệt là ở cơ sở. Trong thực hiện luôn kiên trì vận động, thuyết phục với phương châm “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”, “để người dân trực tiếp nói cho người dân nghe”.
Những nét văn hóa độc đáo dân tộc được gìn giữ và phát huy |
Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh có thể coi là tiền đề của cuộc cách mạng về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Và người thực hiện cuộc cách mạng ấy, cơ bản chính là đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Họ là những hội viên nòng cốt của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, là những già làng, người có uy tín, trưởng dòng học, nghệ nhân dân gian, thầy mo, thầy khèn, thầy cúng… Tất cả đồng thuận, chung tay để xóa bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh và tiến bộ.
Hương Giang - Hà Toản
Ý kiến bạn đọc