Hơn 60 năm, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, từ lúc người cha là Nguyễn Sinh Sắc thúc giục: “Nước mất đi tìm nước, đi đi con, Tất Thành!”, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới.
Lớp trẻ hiện nay như tôi chưa một lần có cơ hội gặp Bác và mãi mãi không bao giờ có cơ hội nghe giọng nói trực tiếp của Người, bởi chúng tôi sinh ra Bác đã không còn nữa, nhưng hình ảnh về Bác thì thật gần gũi, thân thương như chính máu thịt của mình vậy. Đã rất nhiều lần khóe mắt tôi ướt, sống mũi tôi cay cay khi đọc những câu chuyện, xem những thước phim kể về Bác. Đó là tình cảm thực sự.
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử. Đã gần 54 năm trôi qua, những lời dạy trong Di chúc mà người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vẫn mãi mãi là lời dạy thiêng liêng nhất.
“Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, đó là một trong những lời căn dặn, nhắn nhủ được viết trong Di chúc của Người. Đồng chí Vũ Kỳ - người thư ký trung thành và tận tụy của Bác đã viết hồi ký về quá trình Bác viết Di chúc.
Từ năm 1965, mỗi sáng tháng 5, Bác viết mấy lời dặn lại. Bác đã nhìn thấy ngày phải vĩnh biệt cuộc đời. Chọn đúng vào một ngày tháng 5, nhân dịp ngày sinh của mình, chọn đúng vào lúc 9h, giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm cuối đó… Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại mãi mãi mai sau, để viết về ngày ra đi của mình, sao mà Bác thanh thản, ung dung đến thế! Ở phần nói về Đảng, nói về đoàn kết, Bác có viết:
“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng…”
Rồi thời gian trôi qua, lại một mùa hoa phượng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đỏ rực trong khu vườn của Phủ Chủ tịch. Bác Hồ bước sang tuổi 76. Chính trong những ngày giữa tháng 5/1966 này, Bác ghi thêm liền sau đoạn đó: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế - “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Đồng chí Vũ Kỳ cũng chia sẻ về kỉ niệm 1 lần nói chuyện cùng Bác. Ngày 19 tháng 5 năm 1948, bữa cơm sinh nhật giữa rừng Việt Bắc hôm đó, chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ . Trong bữa ăn, đồng chí Vũ Kỳ có thưa với Bác một số vấn đề đoàn kết của bộ phận phục vụ:
- Cháu làm việc với Bác đã lâu, nhưng chưa một lần nào cháu thấy Bác nặng lời với cháu. Thế mà chỉ mấy anh em, chúng cháu thỉnh thoảng lại cáu gắt với nhau.
Bác vừa ăn vừa nghe đồng chí Vũ Kỳ nói, rồi ôn tồ, hiền từ bảo:
- Chú làm việc với Bác lâu, thì Bác làm việc với chú cũng lâu chứ, thế mà Bác có thấy bao giờ chú cáu gắt với Bác đâu! Hai Bác cháu ta có gì khó khăn thì bàn bạc với nhau, cùng giải quyết, việc gì mà phải nặng lời, việc gì mà phải cáu gắt. Đó chính là do Bác tôn trọng chú, chú tôn trọng Bác. Vì vậy, chú cứ tự nghĩ mà xem, trong quan hệ công tác, các chú đã thật sự tôn trọng nhau chưa? Theo Bác, sở dĩ chú hay cáu gắt với anh em, cái chính là do chú chưa tôn trọng anh em đúng mức.
Suy ngẫm về những lời dạy của Bác, đồng chí Vũ Kỳ càng thấm thía. Nếu quả đúng là cá tính thì tại sao chỉ nóng với cấp dưới chứ không bao giờ dám “nóng” với cấp trên.
Bữa ăn hôm ấy có thêm món chuối tiêu tráng miệng dó tự tay Bác trồng. Lúc ngồi vào bàn ăn, Bác đã thân mật dặn đồng chí Vũ Kỳ, ăn cơm vừa phải còn để bụng ăn chuối tiêu. Vừa ăn chuối Bác vừa hỏi:
- Chú thấy chuối tiêu có ngon không?
- Thưa Bác ngon lắm ạ!
- Thế Bác mời chú ăn cơm, không nói cho chú biết là sẽ có chuối tiêu tráng miệng, cứ để chú ăn no căng bụng, thì lúc ăn chuối tiêu còn ngon nữa không?
- Thưa Bác lúc đó thì bớt ngon ạ!
Rồi Bác lại tiếp tục hỏi:
- Bớt ngon mà Bác cứ bắt chú ăn, liệu chú có khó chịu không?
- Thưa Bác khó chịu ạ!
Bác cứ dẫn dắt như thế và Bác kết luận:
- Chuối tiêu ngon nhưng ăn không đúng lúc thì bớt ngon, ăn không đúng cách cũng không thấy ngon. Tự phê bình và phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách. Và điều quan trọng là phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.
Từ ngày đó, đã qua 18 lần sinh nhật Bác Hồ.
Và, vào dịp sinh nhật lần thứ 75, để chuẩn bị cho ngày phải đi xa của mình, Bác lại nhắc lại điều đó, nhưng đã được nâng lên ở mức cao hơn. Bác viết: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Như vậy là, Bác Hồ muốn căn dặn chúng ta: “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là điều quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, trong vấn đề bảo đảm đoàn kết, và bao trùm lên tất cả là trong các mối quan hệ giữa người với người. Nếu không xuất phát từ điều đó, không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, sẽ chẳng còn điều gì có ý nghĩa cả.
Như vậy, trước hết, tình đồng chí thương yêu lẫn nhau phải được thể hiện bằng cái tâm trong sáng và thực sự bắt nguồn từ tình yêu thương con người. Con người Bác Hồ, trước hết là con người của lòng nhân ái. Mục đích cao nhất của cuộc đời Bác Hồ là “làm sao cho đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác không thích gọi một trận đánh tiêu diệt nhiều địch là một trận đánh đẹp. Giữa mùa đông rét mướt, Bác đã từng cởi chiếc áo rét của mình cho một tù bình.
Ở đây, Bác dặn “phái có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, là Bác muốn nói cụ thể đến tình yêu thương giữa đồng chí với nhau trong tổ chức. Đây là nền tảng vững chắc tạo sự đoàn kết, thống nhất để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau được thể hiện ở sự tôn trọng lẫn nhau trong công tác “trong quan hệ công tác, các chú đã thật sự tôn trọng nhau chưa?”, “quan trọng là phải biết tôn trọng lẫn nhau”: mối quan hệ hòa hợp giữa cấp trên và cấp dưới có thể nâng cao hiệu suất làm việc. Bất cứ ai, nếu giao tiếp với tinh thần tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau đều thấy rõ ràng hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Như bác nói: “bàn bạc với nhau, cùng giải quyết, việc gì mà phải nặng lời, việc gì mà phải cáu gắt”
Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau được thể hiện ở công tác phê bình và tự phê bình: “Tự phê bình và phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách”. Để đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất, Người luôn nhắc nhở các tổ chức phải thường xuyên thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình. Tuy nhiên, tự phê bình và phê bình phải đúng lúc, đúng cách, phải biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Phê bình mình trước, phê bình người khác sau. Chỉ có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau mới có thể giúp người được phê bình nhận thức rõ những khuyết điểm, những hạn chế mà mình mắc phải. Cũng chỉ có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau mới có thể giúp người phê bình có sự công tâm, khách quan, phê bình việc chứ không phê bình người, kiên quyết, không nể nang, né tránh, nhằm giúp nhau tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tránh lợi dụng dân chủ mà đấu đá “chia bè, tạo cánh”, tránh lợi dụng việc phê bình để bỏ đi “cây to” chỉ vì “một lỗ mọt nhỏ” nhằm đạt mục đích cá nhân, gây mất đoàn kết trong tổ chức, trong Đảng.
Và, tình đồng chí thương yêu lẫn nhau còn được thể hiện ở trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, đảng viên đi trước đối với thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ đi sau. Đó là nhiệm vụ chăm lo cho thế hệ đời sau, một nhiệm vụ hết sức cần thiết. Nếu không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì ắt sẽ dẫn đến tư tưởng đố kỵ, hẹp hòi: “Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng...
Là một viên chức, một giảng viên trẻ đang công tác tại Trường chính trị tỉnh thực hiện nhiệm vụ truyền thụ về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; về nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước đến các đối tượng cán bộ công chức, viên chức cấp cơ sở. Ý thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình, bản thân tôi luôn ra sức học tập, tự rèn luyện để có đủ phẩm chất, kiến thức, năng lực đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Trong quan hệ với đồng nghiệp, luôn tiếp thu và biết lắng nghe các ý kiến đóng góp của đồng nghiệp trong khoa, trong nhà trường, đặc biệt từ các đồng chí giảng viên đi trước dày dặn kinh nghiệm; Sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ công việc với đồng chí, đồng nghiệp, đoàn kết, thống nhất nội bộ để cùng xây dựng một môi trường làm việc hòa thuận, tương thân tương ái, cùng nhau tiến bộ.
Trong quan hệ với học viên, đối tượng học viên đa số là người lớn tuổi, đã có nhiều năm công tác tại cơ sở, lại có cả dân tộc thiểu số, vì vậy, trước hết bản thân luôn có một sự tôn trọng nhất định dành cho học viên. Tôn trọng học viên, học hỏi từ chính những người học viên đó thông qua các ví dụ, các vấn đề học viên đưa ra trong quá trình trao đổi trên lớp, để ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bổ sung kiến thức thực tiễn cho mình....Từ đó, phục vụ tốt hơn cho quá trình giảng dạy, cung cấp kiến thức lý luận cho học viên, để mỗi bài giảng ngày càng hay hơn, chất lượng hơn, xứng đáng với vai trò sự nghiệp Trồng người.
Và chính từ câu chuyện này, nhìn lại nhiệm vụ, công việc của bản thân, tôi học được ở Bác Hồ kính yêu của chúng ta cách diễn đạt, cách lấy ví dụ minh họa để truyền đạt kiến thức cho người khác sao cho thật ngắn gọn, thật giản dị, dễ hiểu mà cũng dễ nhớ.
“Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” - Chỉ một câu thôi, nhưng suy cho cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết, là cái gốc của sức mạnh dân tộc Việt. Chỉ 1 câu ngắn gọn được bổ sung thêm đã làm nổi rõ cái tâm trong sáng, cái tình bao dung của Người đối với mỗi con người, cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn và tin ở tình đời, ở đạo đức người cán bộ cách mạng. Chính Bác nêu lên một nhận xét rất độc đáo: nếu thuộc bao nhiêu sách về chủ nghĩa Mác - Lênin mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì không thể hiểu được chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trên ngực áo ấy không một tấm huân chương, nhưng đằng sau ngực áo ấy có một trái tim. Bác Hồ đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, cho áo ấm, cơm no của dân tộc. Trước lúc vĩnh viễn đi xa, Người còn căn dặn: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thnh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bè bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”
Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước...”
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều
…
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.
Bác Hồ - Người của thương yêu muôn người. Lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của Đảng ta, của dân tộc ta, đời đời sống mãi!
Đỗ Thị Hương Giang - Trường Chính trị tỉnh Hà Giang
Ý kiến bạn đọc