Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Học nói cùng trò

16:59, 20/11/2023

Đến trường, thầy, cô nói tiếng Việt, chương trình giáo dục cũng được thực hiện bằng tiếng Việt. Trong khi học sinh ở nhà thường giao tiếp bằng tiếng dân tộc với gia đình. Vậy là bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò là khó khăn lớn đối với cả hai. Vì thế, mỗi thầy, cô giáo ở Hà Giang đã học thêm tiếng dân tộc để việc dạy học đạt hiệu quả hơn.

 

 
Tiết học song ngữ của các em học sinh lớp 1 ở điểm trường Cáo Sào của trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Lao Chải, huyện Vị Xuyên

Biết được tiếng đồng bào dường như là một lợi thế với giáo viên. Thế nên, thầy, cô giáo nào công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều tự học thêm tiếng của đồng bào ở nơi đó. Quan điểm của tỉnh là các trường học phải tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Theo đó, các trường đã thực hiện lồng ghép trong các hoạt động hàng ngày, bao gồm cả tiếng địa phương để trẻ được đọc, phát âm, nói bằng 2 thứ tiếng. Việc làm như thế sẽ giúp trẻ hào hứng, hiểu và nhớ bài hơn.

Thày cô luôn theo sát học sinh trong từng tiết học

Mỗi trường học ở Hà Giang có những đặc thù riêng. Và mỗi thầy, cô giáo phải có cách làm, giải pháp khác nhau để dạy học sinh. Nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu làm sao để trẻ hiểu và giao tiếp tốt tiếng phổ thông, tiếp thu bài học ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng dạy và học. Được biết, hiện toàn tỉnh đang có 4.846 thầy, cô có chứng chỉ tiếng Mông.

Năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh có 16.349 cán bộ, giáo viên đang công tác tại 816 cơ sở giáo dục. Trong số đó có không ít các thầy, cô giáo công tác tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành Giáo dục Hà Giang đã xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ, giáo viên. Dự kiến đợt này sẽ bồi dưỡng cho 1.000 thầy cô với 2 thứ tiếng là tiếng Mông và tiếng Tày. Những lớp dạy này tới đây sẽ giúp cho các thầy, cô có thêm nền tảng về tiếng dân tộc để nâng cao chất lượng dạy và học.

Thu Hoài - Văn Bính


Ý kiến bạn đọc