Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Vấn đề thiếu trang thiết bị dạy học trong các nhà trường

16:27, 14/12/2023

Thiết bị tối thiểu các bậc học từ Mầm non đến THCS đạt trên 46%, đối với cấp THPT là trên 54%. Với tỷ lệ này, trang thiết bị, đồ dùng dạy học tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tối thiểu đối với các cấp học trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn thấp, nhất là chưa đáp ứng yêu cầu dạy học đổi mới chương trình. Bên cạnh vấn đề thiếu giáo viên thì thiếu trang thiết bị dạy học cũng đặt ra những thách thức lớn để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030 theo Đề án đã được tỉnh ban hành.

 

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Hà Giang gặp khó khăn trong vấn đề thiếu thiết bị dạy học

Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 ngành Giáo dục chính thức áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Đối với cấp Tiểu học, chương trình áp dụng từ lớp 1 đến lớp 4; đối với cấp THCS áp dụng từ lớp 6 đến lớp 8; đối với cấp THPT áp dụng từ lớp 10 đến lớp 11. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở hầu hết các cơ sở giáo dục trong tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học. Nhiều bài học thay vì được trải nghiệm, thực hành trong thực tế thì giáo viên buộc phải cho học sinh thực hành qua cách mô phỏng.

undefined

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được học từ thực nghiệm, từ đó có cơ sở rút ra kết luận như môn Khoa học tự nhiên cấp THCS; môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cấp THPT, các bộ môn xã hội khác cần có nhiều tranh ảnh minh họa. Kể cả đối với chương trình giáo dục hiện hành, giáo viên và học sinh cũng được khuyến khích tăng cường các buổi học thực hành, các tiết thí nghiệm để hướng đến nâng cao năng lực, tự tìm tòi, khám phá của học sinh. Song, với điều kiện trang thiết bị hiện tại ở các đơn vị trường học, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, rất khó để đảm bảo trang thiết bị đúng, đủ, chuẩn.

Một tiết học tại trường học vùng cao

Ngay cả những cơ sở giáo dục nằm trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia được ưu tiên dành nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cũng còn ngổn ngang với không ít khó khăn. Trường PTDTBT THCS Na Khê huyện Yên Minh đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 từ tháng 6 năm 2022. Tuy nhiên, trang thiết bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay mới được trang cấp ở mức cơ bản đối với lớp 6, đối với lớp 7 và lớp 8 vẫn trong quá trình chờ nguồn phân bổ.

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là vấn đề lớn để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Giải pháp để khắc phục sẽ không riêng của ngành Giáo dục và Đào tạo mà phụ thuộc nhiều vào từng địa phương với sự quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quốc sách hàng đầu.

Hương Giang - Văn Thao


Ý kiến bạn đọc