Mới đây, nghề làm nón hai mê của người Tày, ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là động lực thôi thúc mỗi người dân ở Quang Bình nói chung, đồng bào dân tộc Tày ở Xuân Giang nói riêng nâng cao ý thức, tự giác trong việc bảo tồn và phát triển nghề đan nón lá hai mê vươn xa hơn nữa.
Xã Xuân Giang, huyện Quang Bình hiện có khoảng 60 hộ thường xuyên tham gia làm nón lá 2 mê |
Ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, dân tộc Tày chiếm 80% số dân trên địa bàn. Trong những năm qua, xã Xuân Giang đã đẩy mạnh công tác khôi phục và phát triển các làng nghề, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc và phục vụ cho hoạt động du lịch của địa phương. Nghề truyền thống đan nón lá hai mê của người dân trên địa bàn xã đang dần trở thành một nghề mang lại thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ. Toàn xã hiện có khoảng 60 hộ thường xuyên tham gia thực hiện làm nón. Chiếc nón lá 2 mê từ bao đời nay không những là công cụ hữu ích để che mưa, che nắng trong công việc đồng áng của người Tày mà còn có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới, hỏi. Nón được trao cho cô gái khi về nhà chồng, là vật kỷ niệm của cha mẹ với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng con. Để làm ra được một chiếc nón hai mê, trước tiên là cần sự tỉ mỉ trong việc chọn cây giang để đan thành khuôn nón. Lá cọ non được lựa chọn kỹ lưỡng và hong qua lửa mềm rồi mới được đặt vào giữa hai mê nón. Nón lá của người Tày có hai phần, phần ngoài được xếp khéo léo theo hình chóp từ 2-3 tàu lá khô. Phần bên trong là những sợi lạt nhỏ bằng tre được đan cầu kỳ thành các mắt hình lục giác đều.
Nghề làm nón hai mê của người Tày, ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Nhằm khôi phục và phát triển nghề đan nón hai mê truyền thống, thời gian qua, UBND huyện Quang Bình đã tổ chức các lớp bảo tồn và phát triển nghề đan nón lá phục vụ phát triển du lịch. Các lớp bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống xa xưa của dân tộc Tày góp phần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng trong việc bảo tồn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là bước đầu trong việc gắn nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch, hướng tới hình thành những mô hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề./.
Quỳnh Hoa – Minh Tuân (Quang Bình)
Ý kiến bạn đọc