Người Dao áo dài ở xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì vốn có bản sắc văn hóa riêng biệt và độc đáo, nên Tết của người Dao ở đây cũng mang rất nhiều nét đặc trưng cho đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Vì vậy, ngay từ giữa tháng chạp, các hộ gia đình đã chuẩn bị đồ lễ và cúng Tết, với mong muốn một năm mới bình an, no ấm.
Các gia đình chuẩn bị đồ lễ để cúng Tết |
Cũng giống như các hộ gia đình khác trong thôn, ngay từ giữa tháng 12 âm lịch hàng năm, gia đình ông Đặng Văn Ngoay ở thôn Cao Sơn 1, xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì đã chuẩn bị đồ lễ như: gạo nếp, hương, rượu, giấy bản, lợn, gà để cúng Tết và báo cáo với ông bà, tổ tiên thành quả lao động, sản xuất của gia đình mình sau một năm.
Thầy cúng thay mặt gia đình làm lễ cúng cầu xin sức khỏe, may mắn và bình an |
Trong lễ cúng Tết, các thầy cúng sẽ thay mặt gia đình làm lễ cúng giải hạn để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ và mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn Tết. Đồng thời, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho gia đình, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Với phong tục đón Tết của người Dao áo dài ở xã Bản Luốc luôn được các hộ gia đình đặc biệt quan tâm và coi trọng, đây cũng là nét đẹp có từ bao đời nay, vẫn được người Dao áo dài duy trì, phát huy và trở thành nét văn hoá không thể thiếu trong cộng đồng.
Cho đến nay dù đời sống kinh tế đã phát triển về mọi mặt, song người Dao áo dài ở xã Bản Luốc vẫn luôn giữ được những phong tục đón Tết truyền thống, trở thành nét đặc trưng riêng giúp người Dao ở huyện Hoàng Su Phì phát triển kinh tế, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Sau khi kết thúc lễ cúng Tết, gia đình mời anh em họ hàng, người thân đến ăn Tết cùng gia đình, tiễn năm cũ qua đi, đón một năm mới tới, đây cũng là dịp để gia đình, cộng đồng thêm gắn kết, xây dựng thôn bản ấm no./.
Đặng Và (Hoàng Su Phì)
Ý kiến bạn đọc